Vĩnh Phúc: Khai thác động lực mới cho tăng trưởng, tiến tới phồn vinh, bền vững

Nhờ sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, sau 25 năm tái lập, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc và đột phá.

Những ngày này, tỉnh Vĩnh Phúc đang hoàn tất các công việc còn lại chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh.

Trên các tuyến đường dường như sạch đẹp và tinh tươm hơn khi được khoác lên mình những bộ áo mới. Nhiều con đường nhựa, nhất là ở trung tâm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên được nâng cấp với cờ, hoa, băng rôn trang trí đủ sắc màu.

Vượt ra trung tâm thành phố là những nhà máy, khu công nghiệp sầm uất cùng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở những sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn từ Vĩnh Phúc về tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khác.

Những hình ảnh này khác rất xa so với một Vĩnh Phúc cách đây hàng chục năm về trước...

Kinh tế tăng trưởng cao, an sinh xã hội được đảm bảo

Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ ngày 01/01/1997 theo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa IX.

Thời điểm tái lập, Vĩnh Phúc bắt tay vào xây dựng tỉnh với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó và ý chí vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng và phát triển.

Bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc.

Bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc.

Sau 25 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Theo đó, kinh tế nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân tăng 13,42%/năm, quy mô kinh tế ngày càng lớn. Đến năm 2020 đạt 123,6 nghìn tỷ đồng đứng thứ 14 cả nước, thứ 6 trong Vùng đồng bằng sông Hồng, ước năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997 là 1,96 nghìn tỷ đồng).

GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng. Đến năm 2020 cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước, đứng 5/11 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước. Ước năm 2021, đạt 114,3 triệu đồng/người cao gấp 52,5 lần so với năm 1997.

Thu ngân sách liên tục đạt những mốc mới và luôn nằm trong Top các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất. Hiện nay Vĩnh Phúc là 1 trong 16 tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương với tỷ lệ cao (47%).

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư trở thành điểm sáng của cả nước. Khi tái lập, tỉnh mới có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.

Nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, có sự vượt trội so với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận. Đến hết năm 2021 đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế. Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đã có nhiều nhà đầu tư với thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Trong nông nghiệp, tỉnh đã phát huy truyền thống và tiếp tục có những cơ chế, chính sách đi tiên phong cả nước. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi quy mô tập trung. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có thương hiệu đã được xuất khẩu như thanh long ruột đỏ, ớt quả, dưa chuột, su su, chuối tiêu hồng...

Về giáo dục, tỉnh cũng đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đặc biệt quan tâm. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện...

Xây dựng Vĩnh Phúc thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh

Những kết quả mà Vĩnh Phúc đạt được rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều thách thức khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu từ đầu năm 2020. Đó cũng là tiền đề, động lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Theo đó, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh tập trung khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khai thác những động lực mới cho tăng trưởng. Huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Vĩnh Phúc xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời giải quyết 3 khâu đột phá.

Vĩnh Phúc xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời giải quyết 3 khâu đột phá.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Thu nhập bình quân đạt 80-85 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; thu nhập bình quân 130-135 triệu đồng/người/năm…

Tỉnh cũng cụ thể hóa bằng 4 nhóm với 29 chỉ tiêu. Điển hình như tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9,0%/năm; thu ngân sách tăng 6 - 8%/năm; thu hút thêm vốn đầu tư (5 năm) 2,0-2,5 tỷ USD vốn FDI và 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Vĩnh Phúc xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời giải quyết 3 khâu đột phá: Thứ nhất, thu hút, giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên thu hút phát triển khu, cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Thứ hai, đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn. Cuối cùng là đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy...

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, Vĩnh Phúc đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân… hướng tới phấn đấu một Vĩnh Phúc giàu có, bền vững.

Nhật Hạ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/vinh-phuc-khai-thac-dong-luc-moi-cho-tang-truong-tien-toi-phon-vinh-ben-vung-800145.html