Vĩnh Phúc: Khai thác tiềm năng, lợi thế xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, bền vững
Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong điều kiện phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết hằng năm đều đạt và vượt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm tập trung đầu tư, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả...
Nhiệm vụ hằng năm hoàn thành thì nhiệm vụ cả nhiệm kỳ hoàn thành. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra cũng như góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng chí Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về những thành tựu nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và xác định nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn nội dung cuộc phỏng vấn.
Thưa đồng chí, nhiệm kỳ qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành cùng sự đoàn kết, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Xin đồng chí đánh giá một số kết quả nổi bật mà tỉnh nhà đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều cơ hội, thách thức đan xen.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, sự giám sát có hiệu quả của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, tập trung, kịp thời của UBND tỉnh; sự đồng thuận, cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra nhiều dấu ấn nổi bật. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt và vượt cao so với mục tiêu đề ra.
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,1%/năm, tăng cao hơn giai đoạn trước và cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Quy mô kinh tế không ngừng tăng lên, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 105 triệu đồng/người.
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng bình quân 5,6%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra và luôn đứng tốp đầu cả nước về thu nội địa, là 1 trong 16 tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, các đột phá chiến lược được thực hiện hiệu quả, thu hút đầu tư cao, trong 5 năm, tỉnh đã thu hút được 2,86 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và 56,27 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đi vào hoạt động; hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc đã và đang được đầu tư xây dựng cơ bản, đồng bộ; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.
Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu hết năm 2022 đạt 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; một số xã, thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực; giáo dục Vĩnh Phúc luôn xếp trong tốp đầu cả nước, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên. An sinh xã hội được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đạt những kết quả quan trọng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu thực hiện có hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường.
Ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là cơ sở để cấp ủy các cấp tiến hành đại hội thành công tốt đẹp. Xin đồng chí cho biết chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong việc triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị?
- Đại hội Đảng các cấp là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa trọng đại, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2020-2025; thảo luận, tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên; bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Do vậy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo triển khai Chỉ thị một cách nghiêm túc, kịp thời như: Chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW; ban hành các hướng dẫn về công tác tuyên truyền, quán triệt; công tác nhân sự; công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội...; tổ chức hội nghị trực tuyến cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh để triển khai quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW; Bài phát biểu của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; các văn bản của Trung ương và của Tỉnh ủy.
Thành lập các Tiểu ban, Tổ giúp việc đại hội; chỉ đạo xây dựng nội quy, quy chế, kế hoạch hoạt động của các Tiểu ban.... Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức đại hội điểm cấp huyện và cấp cơ sở; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát đối với đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW; trên cơ sở đó đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng.
Thành lập 11 đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trực tiếp chỉ đạo đại hội các đảng bộ trực thuộc. Kịp thời có những điều chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương...
Do có sự chủ động trong triển khai thực hiện Chỉ thị nên có thể khẳng định công tác tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở của Vĩnh Phúc đã thành công tốt đẹp. Đại hội hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo các nguyên tắc và mục đích, yêu cầu đề ra, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận cao. Đây là tiền đề quan trọng để Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức từ ngày 13/10 đến ngày 15/10/2020 thành công tốt đẹp.
Một trong những vấn đề được Nhân dân đặc biệt quan tâm đó là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII sẽ bầu ra những người đủ đức, đủ tài để tham gia vào Ban Chấp hành khóa mới. Vậy công tác nhân sự đã được Đảng bộ tỉnh chuẩn bị như thế nào và có những điểm gì mới so với các kỳ trước?
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại hội các cấp nói chung và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 những đồng chí tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 một cách kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, đảm bảo đúng nguyên tắc, chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trên cơ sở Chỉ thị của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thành lập Tiểu ban Nhân sự gồm 06 đồng chí do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban đã thành lập Tổ giúp việc; xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động của Tiểu ban. Tham mưu thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Tổ chức tổng kết công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, trên cơ sở đó xây dựng phương án nhân sự... iển khai giới thiệu nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Đã chủ động chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh tham mưu nhận xét, đánh giá, thẩm tra tiêu chuẩn chính trị cán bộ, đảng viên; chỉ đạo Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh tổ chức khám sức khỏe cho tất cả các nhân sự được quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh cán bộ chủ chốt tỉnh và UBKT Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 trước khi tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự.
Từ ngày 23/7- 27/7/2020, đã thực hiện quy trình 05 bước đối với các đồng chí tái cử cấp ủy và từ ngày 06/8 - 12/8/2020, thực hiện quy trình 05 bước đối với các đồng chí dự kiến tham gia cấp ủy lần đầu. Đây là điểm mới quan trọng nhất trong quy trình nhân sự nhiệm kỳ này và được Vĩnh Phúc triển khai thực hiện rất tốt.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chuẩn bị và thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự đảm bảo hết sức dân chủ, khách quan, công tâm, đúng nguyên tắc và hướng dẫn của Trung ương. Đặc biệt, trong bước rà soát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (bước 1) đã không áp đặt ý kiến chủ quan, mà rà soát, tổng hợp đưa tất cả các đồng chí trong quy hoạch, đủ điều kiện, tiêu chuẩn trình hội nghị cán bộ chủ chốt và hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần 1 xem xét, giới thiệu công khai, khách quan.
Kết quả đã giới thiệu được 57 đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện để Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 bầu ra 50 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 với cơ cấu hợp lý, trong đó có 06 cán bộ trẻ, chiếm 10,5%; cán bộ nữ 11 đồng chí, chiếm 19,3%; cán bộ dân tộc thiểu số 01 đồng chí, chiếm 1,8%.
Tỷ lệ đổi mới cấp ủy là 40% (so với đầu nhiệm kỳ là 46,1%). Về độ tuổi: Dưới 40 tuổi: 06 đồng chí, chiếm 10,5%; từ 40 đến 50 tuổi: 27 đồng chí, chiếm 47,3%; trên 50 tuổi: 24 đồng chí, chiếm 42,1%. Về trình độ: 57/57 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó tiến sỹ 05 đồng chí, chiếm 8,8%; thạc sỹ 41 đồng chí, chiếm 71,9%; 57/57 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân; 57/57 có trình độ quản lý nhà nước chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI cũng đã giới thiệu danh sách 16 đồng chí để bầu lấy 14 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giới thiệu Bí thư Tỉnh ủy, 02 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và 12 đồng chí Ủy viên UBKT Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 là những đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thực sự tiêu biểu về đức, về tài để tham gia lãnh đạo Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt phát triển dịch vụ chất lượng cao. Tiếp tục cải thiện năng suất lao động, duy trì tốc độ năng suất lao động trung bình trên 11%/năm. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy; linh kiện điện tử; các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Thu hút đầu tư để lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có, bổ sung quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp mới ở những nơi có lợi thế như: Khu công nghiệp Đồng Sóc, Khu công nghiệp Sơn Lôi, Cụm công nghiệp Yên Lạc, Xuân Lôi... Xây dựng chính sách ưu tiên để thu hút đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư lớn, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, quy mô sử dụng đất và lao động thấp (mô hình ba cao, hai thấp).
Phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại cùng với hệ thống chợ truyền thống; khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng, bảo hiểm, thu thuế, dịch vụ thanh toán, thương mại.
Khuyến khích đầu tư các dự án xây dựng các trung tâm thương mại lớn, bệnh viện, lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, Trung tâm logistics, các trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, các trường đại học, trung tâm ngoại ngữ, các cơ sở văn hóa, các trường tư thục trên địa bàn.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh, tập trung vào phát triển du lịch tâm linh, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng có chất lượng cao. Làm tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc.
Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các khu, điểm du lịch trọng điểm; khuyến khích các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch khu vực Tam Đảo, Tây Thiên, Ngọc Thanh, Đầm Vạc, Sáu Vó, các khu vực lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch. Hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác xây dựng và khai thác các tuyến du lịch kết nối với các khu du lịch trên toàn quốc và khu vực….
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm năm tỉnh, thành phố dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực phía Bắc và 15 tỉnh, thành phố có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu cả nước, trong đó tất cả các tiêu chí năng lực du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.000-3.200 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13-14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GRDP khoảng từ 5-7%; tạo ra khoảng 25-30 nghìn việc làm, trong đó có khoảng 15 nghìn việc làm trực tiếp, tăng trưởng du lịch bình quân 12-14%/năm. Về khách du lịch, phấn đấu đón được ít nhất 100 nghìn lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 10-12%/năm và khách nội địa từ 13-15%.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!