Vĩnh Phúc: Kiến trúc độc đáo nghệ thuật cụm đình Hương Canh
Cụm di tích đình Hương Canh gồm các đình Hương Canh, Tiên Canh và Ngọc Canh, thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên được xây dựng vào thời Hậu Lê khoảng cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 18.
Cả 3 đình cùng thờ 6 vị thần mà địa phương gọi là Lục vị Thành Hoàng - Những nhân thần triều nhà Ngô trong lịch sử nước nhà. Trong đó có con cả của Ngô Quyền là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập được phong là Thiên Sách Hoàng Đế, con thứ của Ngô Quyền là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn được phong là Quốc Vương Thiên Tử và Đỗ Cảnh Thạc là tướng của Ngô Quyền, cùng 3 nhân vật khác được phối thờ là Linh Quang Thái Hậu, Khả Lã Nương Nương và Thị Tùng Phu Nhân. Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian, nơi đây còn là kho tàng chứa đựng nét văn hóa dân tộc, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng.
Tương truyền thứ tự khởi dựng các đình lần lượt là Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh (tức đình Tiên Hường) với kết cấu gần giống nhau theo hình chữ Vương với ba tòa Tiền tế - Đại bái- Hậu cung được nối liền với nhau bởi một ống muống. (Trong ảnh: Tổng thể kiến trúc đình Hương Canh)
Xem thêm:
Văn phòng Đại diện Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển tại Vĩnh Phúc thực hiện tốt Luật báo chí
Vĩnh Phúc: Khai hội Tây Thiên Xuân Quý Mão 2023 - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu'
Nghi môn đình Hương Canh có hình thức rất phổ biến của các ngôi đình, đền vùng đồng bằng Bắc bộ, gồm 4 trụ biểu tạo thành tam quan
Bên trong tòa Trung đường đình Hương Canh, các công trình kiến trúc bằng gỗ được trạm trổ rất tinh tế, khéo léo và độc đáo
Nghệ thuật chạm khắc của đình Hương Canh có quy mộ hoành tráng và nghệ thuật chạm khắc điêu luyện các chủ đề về hội làng và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tiêu biểu là các bức chạm đấu võ, đấu vật, bơi chải, bầu rượu túi thơ, đi săn về, người cưỡi rồng, táng mộ vào hàm rồng, bát tiên… Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, nó phản ánh được phần nào sinh hoạt của xã hội thời bấy giờ, tạo nên sự độc đáo của đình Hương Canh
Cách đình Hương Canh chừng 200 m, đình Ngọc Canh có kiến trúc tương tự đình Hương Canh
Trung đường đình Ngọc Canh
Đình Ngọc Canh có rất nhiều bức chạm khắc lớn nhỏ được ghép thành các mảng lớn. Các bức chạm có thể phân thành từng lớp với nội dung khác nhau, hoặc đan xen nhau, lấy hình tượng rồng làm chủ đạo… Nội dung của các bức chạm miêu tả cảnh về cõi trần và cõi tiên, về tự nhiên và về cảnh sinh hoạt đời thường
Đình Tiên Hường có tên cũ theo tên làng là đình Tiên Canh, là ngôi đình có diện tích mặt bằng lớn nhất trong cụm đình Hương Canh
Đình Tiên Canh có bố cục hướng Tây Nam, ra phía sông Hồng, phía Tây của đình là một ao rộng
Người dân, du khách thập phương nô nức kéo nhau về cụm di tích Đình Hương Canh tham quan, chiêm bái tại buổi lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt