Vĩnh Phúc: Nỗ lực, quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ đưa kinh tế phục hồi, phát triển ở hầu hết các lĩnh vực mà còn là 1 trong số 37 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc được giao tổng vốn đầu tư công là 7.776,625 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 443,36 tỷ đồng; ngân sách địa phương 7.333,265 tỷ đồng. Xác định đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, tiến hành giao nguồn vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án từ cuối năm 2023; thành lập Tổ công tác đặc biệt, phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án lớn, trọng điểm. Định kỳ hằng tháng, hằng quý báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.
Tính đến tháng 6/2024, cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.278 tỷ đồng cho 24 dự án hoàn thành, 100 dự án chuyển tiếp; cấp huyện, xã phân bổ chi tiết hơn 3.297 tỷ đồng cho các công trình, dự án. Toàn tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư và chủ trương đầu tư cho 91 dự án, chủ yếu là các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, cả tỉnh đã giải ngân được 2.739 tỷ đồng, đạt 35,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, cao hơn 7,5% so với bình quân chung cả nước. Trong số 5 Ban Quản lý dự án cấp tỉnh thì Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 45,8%; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp giải ngân đạt 24,7%; 3 Ban còn lại có tỷ lệ giải ngân chưa đạt đến 20% là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
Đối với 9 huyện, thành phố thì huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên, huyện Vĩnh Tường tiếp tục khẳng định là điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công, với tỷ lệ lần lượt là 65%; 52,5% và 50,4%. Các huyện, thành phố còn lại đều có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó, thấp nhất là huyện Sông Lô chưa đạt 15%.
Công tác quản lý đầu tư công được Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Yên Lạc đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, quyết liệt trong điều hành. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2024, Yên Lạc đã lập và giải phóng mặt bằng xong 8,64ha/16,04ha, đạt 53,87% so với kế hoạch năm; đấu thầu, chỉ định thầu là 27 gói thầu; thẩm tra, phê duyệt quyết toán 26 công trình.
Đến ngày 30/6, toàn huyện giải ngân vốn đầu tư công đạt 310 tỷ đồng, đạt 65% so với kế hoạch giao, dẫn đầu các huyện, thành phố trong tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công.
Phấn đấu năm 2024, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch được giao, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư dự án đề cao trách nhiệm, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, xây dựng tham mưu, đề xuất huy động tối đa các nguồn lực bổ sung từ ngân sách địa phương, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục giao đất sau khi đã hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng; nghiên cứu các quy định của pháp luật về quy hoạch khu tái định cư, kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng…
Đối với cấp huyện phải khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024 phần chưa giao; rà soát, điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất các dự án vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt. Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân nguồn vốn theo đúng quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm…
Chỉ rõ các giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 của UBND tỉnh chiều 2/7, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Thông cho rằng: Các cấp, ngành cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để phân bổ chi tiết hết vốn đầu tư công năm 2024 ngay trong tháng 7.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án lớn, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo dõi và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngày 9/7/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 4808 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gửi các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty được giao vốn đầu tư công tổng hợp, đánh giá tình hình thực trạng, tháo gỡ giải quyết các khó khăn vướng mắc…