Vĩnh Phúc: Phát hiện 4 công ty sản xuất mật ong giả
Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đang hoàn tất hồ sơ, tang vật vi phạm để chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm đối với mặt hàng mật ong tại 4 công ty kinh doanh mật ong.
Cụ thể, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ, tang vật vi phạm để chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm đối với mặt hàng mật ong tại 4 công ty kinh doanh mật ong. Trong đó, có 3 công ty nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và 1 công ty nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, thực hiện kế hoạch cao điểm về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đối với hàng hóa là sản phẩm mật ong của 4 doanh nghiệp.
Cụ thể là Công ty TNHH Ong Hòa Bình, địa chỉ thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Ong Việt, địa chỉ thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Ong Việt Nhật, địa chỉ thôn 7, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Tuấn Phương MTV, địa chỉ khu Khả Lễ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Binh, tỉnh Bắc Ninh.
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan lấy mẫu mật ong của các công ty kinh doanh mật ong trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm tra cho thấy, sản phẩm mật ong của 4 doanh nghiệp nói trên có chất lượng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12605:2019 mật ong.
Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành tạm giữ 11.099 chai mật ong có dấu hiệu là hàng giả theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổng giá trị hàng hóa gần 300 triệu đồng.
Theo Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc, với tính chất vụ việc nêu trên, đơn vị đã đề nghị chuyển giao toàn hồ sơ vụ việc cùng tang vật vi phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.