Vĩnh Phúc: ra lệnh báo động phòng chống thiên tai, hỗ trợ cư dân
Khoảng 16 giờ ngày 10/9, mực nước trên sông Hồng đã lên tới mức +13,45m, vượt mức Báo động 1 và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnhVĩnh Phúc ra lệnh Báo động 1 trên sông Hồng.
Nước sông Hồng dâng cao vượt mức báo động 1
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp Báo động 1 đúng quy định.
Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều.
Đồng thời, thông báo cho Nhân dân sinh sống vùng ngoài đê để chủ động sơ tán khi sự cố xảy ra. Bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra; thường xuyên cập nhật, gửi báo cáo sự cố công trình đê điều về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay sau khi có Lệnh báo động 1, UBND huyện Yên Lạc đã tổ chức họp khẩn với 6 xã vùng ven sông Hồng bao gồm Liên Châu, Hồng Châu, Hồng Phương, Đại Tự, Trung Hà, Trung Kiên, yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình cụ thể, và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư sẵn sàng kịp thời hỗ trợ người dân đến nơi an toàn.
Sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ tính mạng tài sản người dân trước lũ dữ
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, rạng sáng 10/9, nước sông Phó Đáy dâng cao, gây ngập lụt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm khoảng 13h30 ngày 10/9, mực nước trên sông Phó Đáy tại trạm đo thủy văn Kim Xá đã lên tới mức báo động 2 và và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về.
Trước tình hình trên, nhiều hộ dân phải sơ tán vì nước lũ dâng cao. Nắm bắt tình hình, UBND huyện Tam Dương đã chỉ đạo lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn có mặt kịp thời giúp người dân di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn.
Đồng thời, CSGT huyện Tam Dương cũng phối hợp bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm ngập úng cảnh báo, hướng dẫn điều tiết giao thông. Thông tin từ Thiếu tá Nguyễn Mạnh Linh, Đội CSGT huyện Tam Dương cho biết, ảnh hưởng của bão số 3 đã gây ngập úng nhiều nơi trên địa bàn, mưa lớn khiến tầm quan sát hạn chế, lại thêm hạ tầng giao thông bị hư hỏng xuống cấp khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.
“Lực lượng CSGT đã ứng trực 100% quân số huy động tối đa phương tiện cùng các lực lượng khác điều tiết giao thông, giúp nhân dân các khu vực ngập nước di dời phương tiện tài sản của các hộ dân đến các vị trí an toàn. Đồng thời duy trì lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, cảnh báo nguy hiểm đến người dân.” - Thiếu tá Nguyễn Mạnh Linh cho biết.