Vĩnh Phúc: tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án cấp nước sạch
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa họp cùng các đơn vị, để nghe báo cáo tình hình triển khai các dự án cấp nước sạch trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.
Tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nông thôn còn thấp
Cuộc họp do ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Phúc triệu tập, với sự tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, cùng đại diện các doanh nghiệp, về các nội dung liên quan đến triển khai các dự án cấp nước sạch tập trung và tiến độ cấp nước sạch cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tình hình triển khai các dự án cấp nước sạch (bao gồm các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách) cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, các khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện.
UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả cấp nước và sử dụng nước sạch cho các hộ gia đình trong phạm vi các xã, phường, thị trấn trên địa bàn và nhu cầu cấp nước sạch của các hộ dân (có danh sách theo từng xã, thị trấn), việc tuyên truyền vận động các hộ gia đình sử dụng nước sạch tại địa phương.
Các chủ đầu tư báo cáo tiến độ triển khai dự án, tiến độ đầu tư cấp nước sạch cho các hộ gia đình trong phạm vi phân vùng cấp nước của dự án; các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị và dự kiến kế hoạch triển khai cấp nước sạch từ nay đến hết năm 2024 và trong năm 2025.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay việc giải quyết nhu cầu cấp nước sạch nông thôn là vấn đề cấp bách, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, một số địa phương trên địa bàn tỉnh không đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân. Tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch tập trung còn chậm và gặp nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho Nhân dân.
Vĩnh Phúc hiện có 31 nhà máy cấp nước sạch tập trung được đầu tư với tổng công suất hơn 349.500 m3/ngày đêm. Trong đó, có 29 nhà máy đang hoạt động với công suất thiết kế hơn 187.500 m3/ngày đêm. Toàn tỉnh có 62 xã đã có đường ống từ hệ thống cấp nước sạch tập trung, đạt 60,7%; còn 40 xã chưa được cấp nước sạch tập trung.
Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 81,3%. Nhưng tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn thấp, chỉ đạt 24,1% (so với mục tiêu tại Kế hoạch 258/KH-UBND, đến năm 2025 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 70%, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 51%).
Tỷ lệ các hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp đã gây trở ngại lớn trong việc hoàn thành tiêu chí số 18 về Chất lượng môi trường sống của các xã đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Xem xét bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư cấp nước sạch tập trung
Nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp nhà đầu tư các dự án nước sạch cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án nước sạch cung cấp đến các vùng nông thôn trên địa bàn.
Thứ nhất, vấn đề tiếp cận vốn triển khai dự án trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp. Trong khi, triển khai các dự án cung cấp nước sạch nếu đã gắn vào chỉ tiêu pháp lệnh, thực hiện theo tiêu chí xây dựng các chương trình quốc gia, ví dụ như xây dựng nông thôn mới thì UBND tỉnh cần có cơ chế để hỗ trợ vốn thì doanh nghiệp mới triển khai được.
Thứ hai, cũng liên quan đến vấn đề vốn, hiện tại để mở rộng phạm vi cung cấp nước đến những vùng nông thôn theo mục tiêu kế hoạch tỉnh đặt ra, thì nhiều doanh nghiệp phải tiến hành thi công mở rộng đầu tư mạng lưới đường ống, trang thiết bị… cung cấp nước đến người dân. Tuy nhiên, phần “mở rộng” thêm này, lại không được ngân hàng, các tổ chức tín dụng xem là tài sản để doanh nghiệp có thể thế chấp.
Các ý kiến từ doanh nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc có thể xem xét việc giao Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Phúc cho phép các dự án cấp nước mà tỉnh chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện theo nhiệm vụ cấp bách, được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Phúc mà không phải có tài sản đảm bảo.
Các cơ quan liên quan cũng cần xem xét lại quy hoạch vùng cấp nước của các doanh nghiệp – cần phải thực hiện khoa học bài bản, xét đến năng lực của từng doanh nghiệp được giao quản lý vùng cấp nước.
Tránh trường hợp doanh nghiệp được giao vùng cấp nước nhưng không có năng lực triển khai dự án, trong khi các doanh nghiệp có nhà máy đang hoạt động trên địa bàn lại không thể đầu tư vào vì chồng chéo và tranh chấp vùng cấp nước.
Sau khi nghe đại diện các đơn vị liên quan trình bày các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án cấp nước tập trung, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát nguồn vốn đầu tư công, trình HĐND tỉnh trong kỳ họp gần nhất bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư cấp nước sạch tập trung.
Giao UBND các huyện rà soát, cập nhật báo cáo tình hình sử dụng nước sạch tại địa phương, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.
Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương xử lý vi phạm trong việc khai thác nước ngầm. Sở Y tế khẩn trương kiểm tra chất lượng nước đối với các hộ tại những địa phương có hệ thống cấp nước sạch tập trung nhưng không sử dụng.