Vĩnh Phúc: tích cực triển khai tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ

Từ ngày 7/9 các lực lượng chức năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Vĩnh Phúc đã túc trực xuyên đêm, kịp thời hỗ trợ người dân, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa bão.

Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa bão. Ảnh Lương Giang.

Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa bão. Ảnh Lương Giang.

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3

Công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 đã và đang được tất cả các ngành, địa phương triển khai tích cực. UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, thực hiện nghiêm “4 tại chỗ”; chỉ đạo dọn dẹp cây đổ, biển quảng cáo, các công trình bị sập, hư hỏng; vệ sinh môi trường; thu hoạch lúa... Cử các lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu, trọng điểm về thiên tai có nguy cơ thiệt hại...

Sáng 8/9 trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, lãnh đạo UBND thành phố Phúc Yên cho biết, mưa bão đã khiến nhiều tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng tại địa phương hư hỏng.

Cụ thể, thiệt hại 03 trạm điện (02 trạm điện ở Xuân Hòa, 01 trạm điện ở xã Cao Minh; đổ gãy 10 cây cột điện hạ thế; 01 cột điện cao thế; 01 cột cao áp Cầu vượt Quốc lộ 2 bị nghiêng; đổ 01 đèn led trang trí cổng chào tổ dân phố; 550 cây bị đổ gãy; 10ha rau màu bị thiệt hại; 525 ha diện tích lúa ngập úng. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế hơn 2,6 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Phúc Yên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí lực lượng tiến hành kiểm tra, và xử lý cắt tỉa cây đổ gãy và khơi thông hệ thống thoát nước tại các điểm ngập úng và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ đạo điện lực thành phố cắt hệ thống điện do cây đổ lên cột điện; cắt điện tại các vị trí cột điện đổ, gẫy; cây đổ đổ vào đường dây điện nhằm hạn chế thấp nhất hiện tượng rò rỉ điện và tai nạn về điện. Chỉ đạo khắc phục ngay sự cố điện tại các khu dân cư do cây đổ làm đứt đường dây để cấp điện sớm nhất cho người dân.

Thành phố Phúc Yên đang tích cực triển khai các công tác khắc phục hậu quả của bão số 3. Ảnh Sỹ Hào.

Thành phố Phúc Yên đang tích cực triển khai các công tác khắc phục hậu quả của bão số 3. Ảnh Sỹ Hào.

Trên địa bàn thị trấn Tam Đảo, ông Nguyễn Duy Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn cho PV Kinh tế và Đô thị biết, ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn xảy ra gió giật mạnh và mưa lớn, khu du lịch Tam Đảo đã có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, nhiều cây cối gãy đổ, gần 100 cột điện bị hư hỏng gây nên sự có mất điện kéo dài, tình hình giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.

“UBND thị trấn Tam Đảo tiến hành vận đông tuyên truyền các hộ kinh doanh tại khu du lịch Tam Đảo, không đón khách trong thời điểm mưa bão để đảm bảo an toàn.

Trường hợp khách đã đặt phòng và ở lại trước cơn bão số 3, được khuyến cáo không xuống núi, không tham gia các hoạt động du lịch ngoài trời; tuân thủ các quy định phòng, chống bão. Các lực lượng chức năng đã lập chốt chặn 2 chiều, hạn chế người dân lên, xuống núi trong hoàn cảnh thời tiết xấu do ảnh hưởng bão số 3.” – ông Nguyễn Duy Dũng chia sẻ.

Ngay sáng 8/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tam Đảo đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ thị trấn Tam Đảo, kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo đã cùng tham gia khắc phục cưa, cắt, dọn dẹp cây cối bị đổ bên đường, vệ sinh để tạm lưu thông, đặc biệt là tập trung khắc phục tại các điểm sạt lở trên tuyến đường lên khu du lịch Tam Đảo.

Các lực lượng chức năng triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 tại Tam Đảo.

Các lực lượng chức năng triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 tại Tam Đảo.

Thông tin với PV về tình hình khắc phục hậu quả mưa bão trên địa bàn, ông Lưu Xuân Năm, Bí thư Đảng ủy Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo cũng cho biết, Đạo Trù là xã miền núi nên hiện tại ảnh hưởng của mưa bão khiến nước lũ đang tràn về rất mạnh.

“Địa phương rơi vào tình trạng bị mất điện, giao thông nhiều chỗ bị nước lũ chia cắt khiến công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trong ngày 7/9 có 3 công nhân một công ty xây dựng cầu đã mắc kẹt ở lán trại công trường, trong tình huống nguy hiểm – nước lũ dâng cao bất ngờ, rất mạnh.” – ông Lưu Xuân Năm nói.

Khi phát hiện sự việc trên, xác định ngoài tầm kiểm soát của địa phương lực lượng cứu hộ của xã Đạo Trù đã báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tam Đảo đề nghị hỗ trợ.

Trong đêm khuya 7/9 đến sáng 8/9 lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận khu vực 3 công nhân bị mắc kẹt trong mưa lũ, triển khai các biện pháp giải cứu thành công. Ảnh CQCA.

Trong đêm khuya 7/9 đến sáng 8/9 lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận khu vực 3 công nhân bị mắc kẹt trong mưa lũ, triển khai các biện pháp giải cứu thành công. Ảnh CQCA.

Công tác cứu hộ được chính quyền địa phương phối hợp cùng các lực lượng chức năng triển khai từ 23hh30 ngày 7/9 đến 5h sáng 8/9 thì các nạn nhân bị mắc kẹt trong mưa lũ ở lán công trường đã được giải cứu an toàn.

Bộ đội và dân quân tự vệ tích cực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ
Từ đêm 7/9, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ trong toàn tỉnh phối hợp với các lực lượng khác nhanh chóng xử lý cây gãy đổ, dọn dẹp đường phố, khôi phục lại giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân.

Khối lượng công việc rất lớn, lại thêm hoàn cảnh khó khăn do thời tiết mưa to gió lớn, nên các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã nỗ lực xuyên đêm túc trực làm nhiệm vụ, kịp thời đến các điểm xảy ra sự cố, nhanh chóng giúp đỡ người dân và các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão.

Đến trưa 8/9, cơ bản tại các tuyến đường chính ở các địa phương, người dân có thể lưu thông bình thường; lực lượng chức năng cũng lập rào chắn cảnh báo một số đoạn đường nguy hiểm.

Trong những ngày tới, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động quân số tối đa (trực 100%) để giúp đỡ nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão, đảm bảo người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.

Tính đến thời điểm 5 giờ sáng 8/9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, bão số 3 làm 100 nhà dân bị thiệt hại; 10 điểm trường bị bị tốc mái, hư hại; khoảng 6.500 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng; 72 cột điện hạ thế gãy đổ, 16 trạm hạ thế bị hư hỏng; nhiều cây cối, biển quảng cáo, cột điện bị đổ, gãy, chắn ngang các tỉnh lộ. Mặc dù không gây thiệt hại về nhân mạng, nhưng ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 20,6 tỷ đồng.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-tich-cuc-trien-khai-tim-kiem-cuu-nan-khac-phuc-hau-qua-bao-lu.html