Vĩnh Phúc: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Sáng 23/7, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị đánh kết quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm.
Các đồng chí: Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; Hà Quang Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Theo báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy, 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng được giữ vững. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; các thông báo, kết luận của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch, chuyên đề về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết dứt điểm một số vụ, việc phức tạp kéo dài. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra gần 2.100 vụ, việc vi phạm, tội phạm về trật tự, an toàn xã hội hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 8 chỉ thị, 2 kế hoạch về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức hơn 1.300 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác này với trên 120.000 lượt người tham gia.
Đối với công tác cải cách tư pháp, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Việc thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp được bảo đảm, không có án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan sai; không bỏ lọt tội phạm. Chất lượng các khâu công tác bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiện toàn Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đề nghị tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân trong công tác phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm tham nhũng. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc gây mất an ninh, trật tự ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng; tháo gỡ các khó khăn trong giải quyết các vụ án liên quan đến tài sản…
Đánh giá cao nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, làm rõ thêm những khó khăn, bất cập, lỗ hổng trong quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc giám định, cung cấp hồ sơ tài liệu…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên để chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh mạng, an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp; kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, không để phát sinh điểm nóng ở cơ sở; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng; trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử, thi hành án, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Đối với công tác cải cách tư pháp, các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan trong khối nội chính; xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Thanh Nga/Theo Vinhphuc.gov.vn