Vĩnh Phúc: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp Tiểu học

Chiều 3-1-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học. Theo đó, từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông sẽ bắt đầu triển khai theo chương trình mới để dần thay thế chương trình hiện hành đang áp dụng theo SGK năm 2006.

Áp dụng chương trình mới

Lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Vĩnh Phúc, thực hiện theo Nghị quyết 51 của Quốc hội. Cụ thể, năm học 2020 – 2021 triển khai ở lớp 1; năm học 2021-2022 ở lớp 2; năm học 2022-2023 ở lớp 3; năm học 2023-2024 ở lớp 4; năm học 2024-2025 ở lớp 5.

Về nội dung, chương trình giáo dục theo SGK năm 2018 bao gồm quy định chương trình tổng thể, quy định chương trình môn học và hoạt động giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Trong đó, đối với cấp Tiểu học có một số nội dung cốt lõi sau: Theo chương trình mới, số môn học bắt buộc có 10 môn, và 1 hoạt động, gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3;4;5); Tự nhiên xã hội (lớp 1;2;3); Lịch sử và Địa lí (lớp 4;5) Khoa học (lớp 4;5); Tin học và Công nghệ (lớp 3;45); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật); và Hoạt động trải nghiệm (tích hợp nội dung giáo dục của địa phương).

Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học tự chọn, dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng. Tiếng dân tộc thiểu số (dạy từ lớp 1 đến lớp 5); Ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1; 2).

Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông ở cấp Tiểu học sẽ bắt đầu triển khai theo chương trình mới để dần thay thế chương trình cũ đang áp dụng theo SGK năm 2006.

Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông ở cấp Tiểu học sẽ bắt đầu triển khai theo chương trình mới để dần thay thế chương trình cũ đang áp dụng theo SGK năm 2006.

So với chương trình hiện hành, chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Tiểu học có một số thay đổi: ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới và bổ sung thêm 2 môn học mới là môn Ngoại ngữ ở lớp 1 và môn Tin học và công nghệ. Chương trình mới áp dụng học 2 buổi/ngày (ở cấp Tiểu học bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút), do vậy tổng số tiết học trong năm là 4830 so với chương trình cũ là 4305 tiết học/năm, như vậy tăng 525 tiết học/năm so với chương trình hiện hành.

Giáo dục toàn diện cho học sinh

Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cáo chất lượng giáo dục tiểu học.

Định hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác trao đổi theo nhóm hay lớp. Trong đó học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Tăng cường “tương tác” giữa học sinh – giáo viên; học sinh – học sinh; học sinh – thiết bị dạy học; học sinh – môi trường nơi các em sinh sống… Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyến – quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh phúc khẳng định, đây là cơ hội để cán bộ quản lý các cấp học tiếp cận thông tin và có cái nhìn bao quát, toàn diện về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cấp Tiểu học – một cấp học được coi là nền tảng của GDPT. Vì vậy, chính quyền các địa phương và cán bộ quản lý giáo dục phải thống nhất trong nhận thức và hành động, làm tốt công tác truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT năm 2018; rà soát mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình GDPT năm 2018 đối với cấp Tiểu học đạt kết quả tốt nhất.

Sỹ Hào

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vinh-phuc-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-doi-voi-cap-tieu-hoc-175908.html