Vĩnh Phúc: Ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến hiện đại hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, các hợp tác xã đổi mới sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và bảo vệ môi trường.
Thời gian gần đây, mặc dù giá cả các mặt hàng đầu vào phục vụ nông nghiệp liên tục tăng cao, đầu ra của nông sản chưa thực sự ổn định đã ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tích cực hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để phù hợp với biến động của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Ngành nông nghiệp luôn xác định gắn kết hoạt động sản xuất với ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ giúp nông nghiệp phát triển được nhiều mô hình sản xuất phong phú, cũng là cơ hội để giúp người nông dân thu hút các doanh nghiệp liên kết, nhằm hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.
Cùng với đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng tăng cao, đặc biệt là nông sản sạch, an toàn. Mặt khác, tình trạng đất đai ngày càng bị thoái hóa do sử dụng và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật kèm theo sự tác động của biến đổi khí hậu. Những điều này tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và khiến người nông dân tốn khá nhiều chi phí cho sản xuất. Việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã mang đến những thuận lợi trong sản xuất như giám sát cây trồng, vật nuôi, hạn chế nguồn phát thải vào môi trường.
Chính vì vậy, những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, các hợp tác xã đổi mới sản xuất, chủ động liên kết với các ban, ngành đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả.
Đến nay đã có nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao điển hình như mô hình sản xuất nho siêu ngọt hạ đen; mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật làm mạ khay cấy máy, mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò thịt; mô hình trồng dưa lưới, dâu tây trong nhà màng hay mô hình sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trong bảo vệ thực vật... Việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã mang đến những thuận lợi trong sản xuất như giám sát cây trồng, vật nuôi, hạn chế nguồn phát thải vào môi trường.
Tại huyện Vĩnh Tường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã phối hợp với Công ty CP Nicotex Hà Nội ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp xây dựng mô hình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, bằng máy bay không người lái tại xã Yên Bình trên diện tích 70ha tại các xứ đồng: Đầy Trai, Đồng Xen, Đồng Trò, Đồng Nếp, Cầu Nôm, Giếng Đồng, Đồng Bông, Sốc Núi.
Công nghệ máy bay không người lái có hệ thống phun tự động, chính xác, đồng đều, bay theo lập trình, ghi nhớ điểm phun, tự động nhận biết lượng thuốc trong bình khi gần hết. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm nước, tiết kiệm thuốc, tiết kiệm nhân công lao động, thời gian phun nhanh hơn với phun bằng bình phun; giảm tiếp xúc trực tiếp của con người với thuốc. Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước do thuốc bám trên mặt lá lúa không bị rửa trôi trên đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến vi sinh vật đất, giữ được kết cấu đất, giảm thoái hóa đất.
Như vậy, có thể thấy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao sức khỏe, giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và tiền thuê nhân công. Các sản phẩm làm ra sạch hơn, chất lượng hơn và năng suất cao hơn.