Vĩnh Phúc: Xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện cho học sinh
Đề án xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đến thời điểm năm 2024, dự kiến 100% trường công lập trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc (từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) được đầu tư xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện với tổng kinh phí thực hiện dự kiến trên 271 tỷ đồng.
Chú trọng xây dựng phát triển văn hóa đọc
Nội dung Đề án cho biết, hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của thư viện, tổ chức các hoạt động sáng tạo, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo “cầu nối” tri thức cho học sinh. Tuy nhiên, đa số nhà trường tại Vĩnh Phúc đã được xây dựng từ nhiều năm về trước, sử dụng mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc trong không gian chật hẹp, tài liệu nghèo nàn, không hấp dẫn để thu hút giáo viên và học sinh đến đọc sách.
Từ thực tế trên, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế, xây dựng những góc thư viện mở, thân thiện; không gian đọc sách, học tập ngoài trời sáng tạo, hấp dẫn nhằm khơi dậy niềm đam mê và duy trì, tăng cường thói quen đọc sách cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp hiện nay.
Việc lập và phê duyệt Đề án Xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh là phù hợp và cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà trường phổ thông trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Mục tiêu của Đề án xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện cho học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật.
Các căn cứ từ thực tiễn…
Nội dung Đề án cho biết, trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí, các phương tiện nghe, nhìn (điện thoại, máy tính bảng, laptop…) tỏ ra vượt trội bởi tính năng tiện dụng, hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn so với trang sách in. Tất cả đang dần dần làm thay đổi hành vi, cách thức tiếp nhận thông tin, kiến thức, kỹ năng cũng như cách thức hưởng thụ văn hóa và giải trí của con người.
Bên cạnh đó, do áp lực cuộc sống, các bậc làm cha, làm mẹ cũng chưa thực sự quan tâm, chăm lo đến việc phát triển thói quen đọc cho con từ bé - vốn là yếu tố gốc rễ của văn hóa đọc.
Trong các nhà trường, chương trình học còn nặng về kiến thức, chưa khắc phục triệt để được bệnh thi cử và thành tích trong giáo dục, cùng với thư viện truyền thống có không gian chật hẹp, cơ sở vật chất, nguồn tư liệu và những điều kiện thiết yếu trong các thư viện, phòng đọc còn hạn chế nên chưa tạo được sự thuận lợi, hứng thú cho học sinh đọc sách...
Thời gian đọc sách của học sinh rất ít, bị phân tán, xen kẽ giữa các tiết học. Các nhà trường đều không bố trí các tiết đọc sách trong thời gian học chính khóa, mà gần như để “tự phát”, vào giờ ra chơi. Vẫn còn hiện tượng giao bài tập về nhà vào buổi tối, áp lực ôn luyện tham gia các kỳ thi không bắt buộc, tham gia các kỳ khảo sát chất lượng, kiểm tra đánh giá của các cấp.
Với cấp trung học cơ sở, lịch học dày và khối lượng kiến thức nặng hơn. Bên cạnh thời gian học chính khóa, học sinh còn học các tiết tăng cường vào buổi chiều, chưa kể việc đi học thêm, tự học, làm bài tập ở nhà vào buổi tối. Trong giờ học chính khóa, việc nghỉ giữa giờ là 5 phút, không đủ để lôi kéo khiến học sinh nhập tâm với việc đọc sách.
Những yếu tố cơ bản đó đã góp phần tạo nên xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và “phai nhạt” thói quen đọc sách của một bộ phận công chúng hiện nay, trong đó có học sinh.
Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng hơn 271 tỷ đồng
Theo Đề án, việc làm mới không gian thư viện truyền thống trong các nhà trường (bao gồm: Không gian dành cho bạn đọc; không gian làm việc cho viên chức chuyên môn thư viện; không gian chứa kho sách, báo; không gian hành chính quản trị, nói chuyện chuyên đề; ngoài ra, khuôn viên vườn hoa, cây cảnh trong thư viện cũng được xem là không gian thư viện) nhằm tạo sự thoải mái, thân thiện, tiện lợi cho người đọc, giúp tăng cường nhu cầu, hoạt động đọc, thu hút người đến đọc sách nhiều hơn.
Trong năm 2023, Đề án đặt lộ trình đầu tư xây dựng thí điểm không gian đọc sách mở, thân thiện cho học sinh tại 27 điểm trường (trong đó: cấp Tiểu học 9 điểm trường, cấp trung học cơ sở: 9 điểm trường và trung học phổ thông là 9 điểm trường).
Trước đó, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 3 mô hình không gian đọc sách mở và thân thiện theo hình thức xã hội hóa, hoàn thành trong quý II/2023 tại các trường: Tiểu học Thanh Trù, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên; Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường; Trung học phổ thông Tam Dương, huyện Tam Dương.
Vì vậy, quá trình chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện thân thiện góp phần quan trọng tạo sự hứng thú, hấp dẫn, làm thay đổi cách đọc sách, cách sử dụng thư viện của bạn đọc.
Đề án cũng đánh giá và yêu cầu xây dựng, bố trí thời gian đọc sách phù hợp, khoa học cho học sinh, giáo viên từng cấp học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hướng đến mục tiêu, đưa việc đọc sách phải trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể và đa dạng.
Theo tính toán tại đề án, dự kiến 100% trường phổ thông công lập trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc (từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đến năm 2024 sẽ được tỉnh đầu tư xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện. Tổng kinh phí dự kiến trên 271 tỷ đồng.
Trong đó, gần 190 tỷ đồng (chiếm 70%) dự kiến chi từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cấp tỉnh, trên 81 tỷ đồng còn lại (chiếm 30%) huy động từ các nguồn khác (ngân sách cấp huyện, nguồn xã hội hóa, tài trợ, hỗ trợ).