Vinh quang nghề cao quý

Nghề dạy học luôn được cả xã hội trân trọng, ghi nhận là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý. Đội ngũ nhà giáo tỉnh ta đang ngày càng lớn mạnh cả về chất và lượng, luôn tâm huyết truyền thụ kiến thức, dạy học sinh cách làm người, góp phần đào tạo nên những thế hệ học sinh được phát triển toàn diện.

Như những đóa hoa thơm

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều giáo viên luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy giúp học sinh hiểu bài nhanh, vươn lên đạt được kết quả học tập tốt nhất. Nhiều giáo viên công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc bản thân, gia đình khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vượt qua để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Các thầy cô giống như “những bông hoa thơm” tỏa ngát hương đời.

Niềm vui của cô và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Niềm vui của cô và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Mỵ, dạy học tại trường Tiểu học Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đến nay đã được 24 năm. Cô luôn nỗ lực hết mình trong dạy học, thường giúp đỡ những học sinh nghèo bằng cách mua đồ dùng học tập hay quần áo ấm tặng các em. Có trường hợp học sinh kém phát triển cô kiên trì ngồi với các em hàng giờ sau buổi học để trò chuyện, bổ túc thêm kiến thức giúp các em tiến bộ. Những giờ dạy học trên lớp cô luôn sáng tạo, đổi mới phương pháp, giúp định hướng và khuyến khích các em phát huy sở trường, tư duy. Nhờ vậy, nhiều học sinh lớp cô phụ trách đã vươn lên trở thành những học sinh giỏi, đạt thành tích cao trong các cuộc giao lưu, thi học sinh giỏi các cấp. Nhiều năm liền, cô Mỵ đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh… Cô vinh dự là 1 trong 63 giáo viên trong toàn quốc vừa được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao cho các giáo viên có thành tích trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa và có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cô Mỵ nói, lớp cô dạy có hơn 50% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn rất nhút nhát. Bởi vậy, giáo viên phải thực sự như “người mẹ thứ 2” để gần gũi, động viên, chia sẻ, giúp các em học tập mau tiến bộ.

Nhiều thầy, cô giáo đã khắc phục khó khăn, không quản đường sá xa xôi để bám lớp, bám trường, gắn bó với học sinh thân yêu. Như trường hợp cô giáo Trần Thị Nhung ở thành phố Tuyên Quang hơn 18 năm qua đều đặn hàng tuần vượt trên 120 km để dạy học tại huyện vùng cao Lâm Bình. Công tác xa nên chưa bao giờ cô Nhung được dự sinh nhật của con ở nhà mà chỉ gửi lời chúc qua điện thoại. Cô Nhung chia sẻ, càng gắn bó cô càng thấu hiểu những thiệt thòi của học sinh vùng cao so với miền xuôi, chính vì thế cô đã nỗ lực dạy học thật tốt, mong các em học sinh có đầy đủ tri thức để ngày mai lập nghiệp.

Còn rất nhiều những tấm gương nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và hết lòng với học sinh thân yêu như: Thầy giáo Đặng Đàm Trọng, trường Tiểu học Yên Lâm 1 (Hàm Yên) đã bỏ công sức và huy động nguồn tài trợ xây dựng cầu bắc qua suối để học sinh đến trường thuận lợi hơn; Thầy giáo Nịnh Xuân Hanh, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sinh Long (Na Hang) thương học sinh ở bán trú tại trường mùa đông phải tắm nước lạnh, thầy đã cùng học sinh làm hệ thống làm nước nóng từ bếp lò để nâng cao chất lượng sinh hoạt cho các em. Sản phẩm dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh đã vinh dự giành được giải Nhì… Mỗi thầy cô giáo một hoàn cảnh và có những việc làm tốt khác nhau, nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương học trò vô bờ bến, muốn học trò của mình được sống và học tập ở môi trường giáo dục đầy đủ hơn.

Giáo viên và học sinh trường THPT Na Hang tại phòng truyền thống của nhà trường.

Giáo viên và học sinh trường THPT Na Hang tại phòng truyền thống của nhà trường.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa hồng vừa chuyên

Phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai rộng khắp. Từ đó mỗi trường, mỗi giáo viên đã đăng ký thực hiện các việc làm tốt. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn lượt giáo viên đăng ký và thực hiện thành công việc giúp đỡ, hỗ trợ học sinh. Tiêu biểu như: Trường THPT Chuyên Tuyên Quang có hàng trăm lượt nhà giáo đăng ký hỗ trợ học sinh khó khăn vươn lên trong học tập (tặng sách, vở, phương tiện đi lại); trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Chiêm Hóa tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu trên 200 tiết/năm; giáo viên và học sinh trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tổ chức quyên góp sách vở tặng học sinh nghèo vùng cao mỗi dịp đầu năm học mới…

Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm thực hiện. Từ đó giúp xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên tận tâm với nghề, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Hiện nay, toàn ngành Giáo dục có trên 12.500 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đạt trên chuẩn là 56,7%. Nhiều thầy, cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên được thực hiện thường xuyên trong các năm học, bám sát theo kế hoạch chương trình bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, giúp giáo viên cập nhật các kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị nghề nghiệp cũng thường xuyên được quan tâm, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng vừa chuyên”. Nhờ đó, chất lượng dạy học trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Năm học 2019 - 2020, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực thực hiện đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, ngành đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Đồng thời, đề cao các phương pháp giảng dạy gắn với thực tiễn cuộc sống; tích cực chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới; nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về vị trí, vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí trên địa bàn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/vinh-quang-nghe-cao-quy-125274.html