VĨNH THUẬN - 60 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG - Bài 2: Dấu ấn tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nông nghiệp huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài 1: Đền ơn đáp nghĩa - trách nhiệm thiêng liêng

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, gần như đâu đâu người dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cũng phấn khởi nói về chuyện lúa trúng mùa, trúng giá.

GIÁ TRỊ SẢN XUẤT TĂNG

Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản từng vùng; cơ cấu lại giống cây trồng chất lượng cao; chuyển đổi quy hoạch vùng sản xuất lúa 2 vụ kém hiệu quả sang 1 vụ tôm, 1 vụ lúa hiệu quả hơn. Qua đánh giá, mô hình 1 vụ tôm, 1 vụ lúa thu từ 140-160 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 70-90 triệu đồng/ha/năm.

Về giống lúa, nông dân sử dụng giống chất lượng cao như ST24, ST25, OM18, Đài Thơm 8… trên 98% diện tích; quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, quản lý dịch hại IPM. Về thủy sản, huyện đẩy mạnh thực hiện các mô hình nuôi tôm - lúa, tôm - cua kết hợp, quảng canh cải tiến, nuôi tôm hai giai đoạn… đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2023 lên 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,82%...

Nông dân xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu 2023.

Nông dân xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu 2023.

Các thành viên tổ hợp tác trồng dưa lưới công nghệ cao ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam đang thu hoạch dưa khi chúng tôi đến. Ông Hà Văn Chủ - thành viên tổ hợp tác trồng dưa lưới công nghệ cao ấp Bình Phong chia sẻ: “Năm nay dưa lưới của tổ đạt năng suất khoảng 4 tấn/1.000m2. Sau khi trừ chi phí chúng tôi lãi hơn 60 triệu đồng/1.000m2”.

Tại Vĩnh Thuận, mô hình trồng trồng dưa lưới công nghệ cao được ngành chức năng đánh giá cao vì hầu hết các khâu sản xuất đều tự động hóa. Dưa lưới của tổ hợp tác được công ty tại TP. Hồ Chí Minh bao tiêu, sản phẩm xuất khẩu đến nhiều thị trường như Nhật Bản, Singapore…

Về xã Tân Thuận, trên cánh đồng lúa ngút ngàn của ấp Thắng Lợi, chúng tôi chứng kiến không khí tất bật của người dân đang cải tạo mặt ruộng, nạo, vét mương nước chuẩn bị thả tôm sau vụ lúa thắng lợi. Ông Bùi Văn Hải, ngụ ấp Thắng Lợi cho biết: “Tôi vừa thu hoạch xong vụ lúa trên nền đất tôm, bán với giá gần 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 6 triệu đồng/công. Với 20 công đất, tôi lãi trên 120 triệu đồng. Con tôi cũng lãi nhiều vì trồng lúa giống ST25, giá bán hơn 11.000 đồng/kg”.

Ông Hải thông tin, vụ lúa trên nền đất tôm năm nay nông dân thu lợi nhuận cao ngoài do giá lúa còn nhờ người dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Việc sản xuất theo hướng dẫn của ngành chức năng góp phần giảm chi phí đầu tư, hạn chế dịch bệnh. Việc chọn trồng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, OM18… đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu cũng như giúp giá trị sản xuất lúa tăng.

UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết năm 2023 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 4.960 tỷ đồng, tăng 7,73% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, vụ lúa trên nền đất tôm và vụ đông xuân sớm 2023-2024 được thương lái thu mua với giá khá cao, trung bình khoảng 10.000 đồng/kg.

Nông dân Vĩnh Thuận dần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận LÊ TRUNG HỒ

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Người dân huyện Vĩnh Thuận thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: DƯƠNG TUẤN

Không còn làm kinh tế theo kiểu manh mún, nhiều nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cùng thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất. Ông Võ Thanh Tùng - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kênh Hai Hãng, xã Vĩnh Phong cho biết: “Người dân địa phương làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từ năm 2019 chúng tôi thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Đến nay, hợp tác xã có trên 60ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ. Riêng vụ lúa vừa qua, thành viên hợp tác xã trúng giá, năng suất cao, sau khi trừ chi phí chúng tôi lãi trên 6 triệu đồng/công”.

Còn tại Hợp tác xã Hiểu Phát, xã Phong Đông chuyên làm đặc sản địa phương như tôm khô, mắm tôm, mắm cá lóc, khô cá lóc…, đã gây dựng được thương hiệu và đưa sản phẩm đến các thị trường như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, huyện có 21 hợp tác xã nông nghiệp với diện tích trên 1.000ha, 80 tổ hợp tác hoạt động ổn định. Các mô hình kinh tế tập thể góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Đồng chí Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết huyện tiếp tục hướng các địa phương phát triển kinh tế tập thể gắn với nhu cầu thị trường và liên kết bao tiêu sản phẩm đối với một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa, khóm, rau màu, tôm...; đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Vĩnh Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất quy mô lớn, nâng chất lượng gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và chủ động kiểm soát dịch bệnh; cơ cấu nguồn vốn đầu tư thỏa đáng vào lĩnh vực nông nghiệp…

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận Nguyễn Thanh Bình thông tin: “Năm 2023 huyện kết nối với doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu 2.500ha lúa cho nông dân. Năm 2024, công ty gặp nông dân và chuẩn bị ký kết bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi đang thương thảo với doanh nghiệp bao tiêu tôm càng xanh cho người dân”.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/vinh-thuan-60-nam-mot-chang-duong-bai-2-dau-an-tai-co-cau-nong-nghiep-18766.html