Vinpearl trở lại sàn HoSE sau hơn một thập kỷ
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã chính thức chấp thuận hồ sơ niêm yết gần 1,79 tỷ cổ phiếu VPL của Công ty cổ phần Vinpearl. Đây được đánh giá là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trở lại của Vinpearl trên sàn chứng khoán, sau hơn một thập kỷ vắng bóng kể từ khi sáp nhập vào Vingroup năm 2011.
Vinpearl từng niêm yết trên HoSE vào năm 2008, song đến cuối năm 2011, doanh nghiệp này sáp nhập cùng Vincom để hình thành tập đoàn Vingroup (mã VIC), khiến mã VPL bị hủy niêm yết. Đến năm 2023, Vinpearl được tách lại thành công ty con độc lập của Vingroup.

Số lượng cổ phiếu VPL niêm yết là hơn 1,79 tỷ đơn vị, tương ứng vốn điều lệ hơn 17.933 tỷ đồng.
Theo thông báo từ HoSE, tổng số cổ phiếu được chấp thuận niêm yết lần này là hơn 1,79 tỷ đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ 17.933 tỷ đồng.
Bắt đầu nộp hồ sơ niêm yết vào đầu tháng 3, trước đó Vinpearl cũng đã phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu vào tháng 2/2025, thu hút 105 nhà đầu tư với giá bình quân 71.350 đồng/cổ phiếu, qua đó giúp doanh nghiệp này huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch sử dụng vốn công bố sau đợt phát hành, Vinpearl dự kiến chi gần 1.140 tỷ đồng để góp vốn vào dự án công viên văn hóa VinWonders Nha Trang, hơn 1.850 tỷ đồng để thâu tóm gần như toàn bộ cổ phần của Vinpearl Cửa Hội, chủ đầu tư Khu vui chơi giải trí Cửa Hội. Ngoài ra, công ty còn chi 495 tỷ đồng để mở rộng dự án tại Hà Giang, thanh toán hơn 1.500 tỷ đồng nợ vay và bổ sung vốn lưu động.
Việc phân bổ nguồn vốn có trọng điểm cho thấy Vinpearl đang đi đúng hướng trong chiến lược mở rộng hệ sinh thái du lịch - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, với định hướng trở thành doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Báo cáo tài chính quý I/2025 của Vinpearl cho thấy doanh thu đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước - tương đương khoảng 27 tỷ đồng mỗi ngày. Tăng trưởng chủ yếu đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, lượng khách đến các khách sạn Vinpearl tăng 18% và hệ thống vui chơi VinWonders đón tới 1,6 triệu lượt khách, tăng 29% so với quý I/2024.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh từ 2.145 tỷ đồng xuống chỉ còn 90 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do doanh thu tài chính sụt giảm từ 3.264 tỷ xuống còn 514 tỷ đồng.
Ông Hàn Hữu Hậu, chuyên gia phân tích cấp cao tại Công ty Chứng khoán VPS, nhận định: “Việc Vinpearl tái niêm yết sau hơn 10 năm cho thấy định hướng chiến lược rõ ràng của Vingroup trong việc tách bạch và gia tăng giá trị từng mảng kinh doanh cốt lõi. Với hệ sinh thái khép kín từ nghỉ dưỡng, vui chơi, đến vận tải như VinWonders, VinBus, Vinpearl hoàn toàn có tiềm năng trở thành một doanh nghiệp quy mô tỷ USD độc lập”.
Cũng theo ông Hậu, thị trường du lịch nội địa và quốc tế đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, là yếu tố thuận lợi giúp Vinpearl đẩy mạnh khai thác công suất tại các tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp của mình, nhất là khi công ty sở hữu tới 31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với hơn 16.000 phòng và hàng chục công viên chủ đề tại 18 tỉnh thành trên cả nước.
Giới đầu tư đang kỳ vọng cổ phiếu VPL sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho toàn bộ nhóm cổ phiếu "họ Vin" gồm: VIC, VHM, VRE vốn đang giữ vai trò trụ cột của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo các chuyên viên môi giới từ SSI, sau thông tin chấp thuận niêm yết, cổ phiếu VIC đã có phiên tăng giá tích cực và được kỳ vọng sẽ hướng đến vùng giá mục tiêu 75.000 - 80.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến thực tế của VPL trong những phiên đầu giao dịch, bởi lẽ yếu tố kỳ vọng đã phần nào phản ánh vào giá của các cổ phiếu liên quan từ trước đó.

Kết thúc quý I/2025, Vinpearl đạt doanh thu thuần 2.971 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ
Với tổng tài sản tính đến cuối quý I đạt hơn 78.000 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm hơn 35.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 35.586 tỷ đồng, Vinpearl được đánh giá là một trong những doanh nghiệp sở hữu nền tảng tài chính vững chắc. Nợ vay tài chính hơn 12.000 tỷ đồng, chủ yếu là dài hạn, cũng cho thấy cơ cấu vốn hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển dài hạn.
Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng - mức tăng trưởng rất đáng kỳ vọng nếu xét trong bối cảnh ngành du lịch đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.
Việc niêm yết gần 1,8 tỷ cổ phiếu VPL trên HoSE là bước đi chiến lược của Vinpearl nhằm nâng cao tính minh bạch, chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp và tiếp cận nguồn vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán. Với nội lực sẵn có cùng sự hậu thuẫn từ Tập đoàn mẹ Vingroup, Vinpearl đang sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/vinpearl-tro-lai-san-hose-sau-hon-mot-thap-ky-163775.html