Virus Corona ảnh hưởng đến thị trường nông sản
Kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) xuất hiện đến nay, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh có thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.
Giá lúa IR 50404 trên đồng chỉ còn 4.400 đồng/kg. Ảnh: HOÀNG VŨ
Thanh long bán với giá 4.000-5000 đồng/kg
Từ lúa, cá tra, trái cây…
Những mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất của tỉnh bị ảnh hưởng bởi nCoV, trước hết phải kể đến là lúa, gạo, cá tra, trái cây, rau, củ, quả... Ngoài sản phẩm xuất khẩu, các mặt hàng có thị trường tiêu thụ trong nước như: các loại đặc sản vùng, miền gồm các loại khô cá, mắm cũng bị ảnh hưởng, doanh thu bán hàng của các tiểu thương tại các chợ giảm ít nhất 40%. “Virus nCoV đã làm cho ngành hàng cá tra bị thiệt hại kép. Trước Tết Nguyên đán, giá cá tra ở mức 20.000 đồng/kg và có xu hướng tăng lên trong thời gian sau Tết. Nào ngờ, khi truyền thông đưa tin nCoV xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) và lan nhanh sang các quốc gia khác trên thế giới, giá cá tra trên thị trường nội tỉnh “tuột” xuống mốc 17.500 đồng/kg. Giá thấp nhưng muốn bán cũng chẳng ai mua. Trong khi cá trong ao nuôi mỗi ngày một lớn, nông dân phải tiếp tục cho ăn. Thiệt hại kép là điều không thể tránh khỏi”- ông Nguyễn Văn Thạnh (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) lo lắng.
Vụ này, gia đình ông Thạnh nuôi 3ha, cá trong ao đạt trọng lượng gần 2,5kg, đến nay vẫn chưa bán được. Với mức giá 17.500 đồng/kg, bình quân ông Thạnh lỗ 4.500 đồng/kg. “Cá thịt rớt giá, kéo theo cá tra giống cũng rớt thảm hại, nông dân năm nay lỗ nặng…” - ông Thạnh thông tin thêm. Năm 2019 vừa qua, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều trở ngại ngay từ sau Tết Nguyên đán. Đầu năm 2020, tình trạng này được lặp lại bởi nCoV. Hàng hóa lưu thông bị ách tắc, từ đó khiến giá các loại nông sản trong nội địa rớt giá.
Ngoài cá tra, giá lúa trên đồng hiện đã rớt xuống thấp, cụ thể tại các cánh đồng bước vào vụ thu hoạch đông xuân, lúa IR 50404 chỉ được thương lái thu mua với giá 4.400 đồng/kg, với mức giá này, nông dân gần như không có lãi. “Vụ đông xuân này, nông dân sản xuất các loại lúa thơm (để xuất vào thị trường Trung Quốc) bị thiệt hại rất nặng. Cụ thể, giống Đài thơm 8, trước Tết có giá 5.800-6.200 đồng/kg, hiện nay, chưa tới thời điểm thu hoạch rộ mà đã giảm hơn 2.000 đồng/kg. Các loại lúa thơm xuất vào thị trường Trung Quốc đều rớt xuống thấp”- ông Nguyễn Văn Phương (thương lái mua lúa tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Cá tra trong hầm đã gần 2,5kg nhưng nông dân phải tiếp tục cho ăn. Ảnh: M.H
…Đến nhiều mặt hàng khác
Ngoài lúa, gạo, cá tra thì các mặt hàng nông sản khác như: mít, thanh long, ớt, bắp cải… cũng bị rớt giá mạnh. Tại các vùng chuyên canh rau màu như: Kiến An (Chợ Mới), Bình Thạnh (Châu Thành), Vĩnh Trường, Khánh An (An Phú)… phần lớn các mặt hàng rau, cải đều giảm mạnh so với cùng kỳ. “Ớt là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Quốc, khi dịch bệnh xảy ra, giá ớt tươi trên đồng chỉ còn 10.000 đồng/kg, trong khi trước đó, có thời điểm tăng lên đến 70.000 đồng/kg” - bà Trần Thị Huệ (xã Vĩnh Trường) chia sẻ.
Sau Tết, mặt hàng xoài Keo (xuất sang thị trường Trung Quốc) vào vụ chính. Tại các xã biên giới như: Khánh Bình, Khánh An (An Phú), Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), xoài đã đến kỳ thu hoạch, nông dân gọi điện thoại mãi mà chẳng thấy thương lái đến mua. Thị trường Trung Quốc đóng cửa, tại các vùng chuyên canh xoài xuất khẩu, giá xoài Keo, xoài Tượng da xanh rớt thảm hại. “Giá đã rớt nhưng chẳng thấy ai đến thu mua. Những nhà vườn có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty thì dù giá cao hay thấp, các bên vẫn thực thi hợp đồng tiêu thụ. Những hộ trồng bán “trôi nổi” thì nay chịu trận, không ai đến mua. Đây là bài học sâu sắc cho những nông dân thiếu tính toán trong sản xuất nông nghiệp” - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Du lịch cũng là ngành chịu thiệt hại bởi nCoV. Khách không đi du lịch, các sạp, cửa hàng bán sản phẩm đặc sản vùng, miền doanh thu giảm đáng kể. “nCoV xảy ra, ngành sản xuất khô cá, các loại mắm đặc sản phục vụ khách du lịch tại núi Sam (TP. Châu Đốc) cũng bị thiệt hại nặng. Trước đây, bình quân mỗi ngày, cơ sở chúng tôi sản xuất khoảng 1 tấn khô cá lóc, cá sặc bổi, nay giảm đến 70%” - ông Nguyễn Văn Tuấn (Cơ sở sản xuất khô cá xã Khánh An, An Phú) thông tin.
Tăng cường tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng nông sản của tỉnh (để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc) là vấn đề đặt ra trước mắt cũng như lâu dài. Đi đôi với công việc đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế biến các sản phẩm mang tính giá trị gia tăng, hạn chế xuất sản phẩm thô để giảm bớt thiệt hại một khi thị trường có “trục trặc”. Làm được điều đó, nông dân lẫn doanh nghiệp sẽ có phần chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản do mình làm ra trong thời gian lâu dài.
“Khó khăn chỉ mang tính tạm thời, hết dịch bệnh thì mọi việc sẽ trở lại bình thường. Thời gian qua, tại Trung Quốc, bệnh dịch tả heo Châu Phi làm nguồn cung thịt heo giảm mạnh. Trong khi bệnh cúm gia cầm H5N1 vừa bộc phát nên nguồn cung thịt gia cầm sẽ giảm mạnh. Cá tra là nguồn sản phẩm thay thế. Sản phẩm vừa ngon, vừa hợp túi tiền, không mang mầm bệnh nên sẽ được người tiêu dùng lựa chọn” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.