Virus lạ 'tái xuất' sau 15.000 năm, mang chuỗi gene 'ngoài hành tinh'
Trong lõi băng được lấy lên ở Tây Tạng (Trung Quốc), các nhà khoa học đã bị sốc khi phát hiện 28 loại virus cổ đại chưa từng biết, mang những chuỗi gene mà họ tin là sẽ tìm được trên Sao Hỏa hay mặt trăng.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Bang Ohio (Mỹ) đã tìm thấy 33 loại virus cổ đại khi nghiên cứu một lõi băng sâu được lấy lên từ "miền không người" ở Tây Tạng.
Nhà vi sinh vật học Matthew Sullivian từ Đại học Bang Ohio, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết 28 trong số 33 loài virus đó chưa từng được khoa học ghi nhận. Kết quả cho thấy chúng mang những chuỗi gene rất đặc biệt, cho phép sinh tồn và lây nhiễm mạnh trong môi trường băng giá khắc nghiệt.
Loài phong phú nhất trong 2 mẫu lõi băng họ nghiên cứu là đại thực khuẩn lây nhiễm Methylobacterium, rất quan trọng với chu trình mê-tan bên trong băng.
Phát hiện này sẽ cung cấp cho các nhà khoa học dữ liệu quý giá về cách các vi sinh vật ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt.
Theo Sci-News, điều này còn có thể đem lại bước tiến đột phá cho quá trình săn tìm sự sống ngoài hành tinh. Các nhà khoa học tin rằng những chuỗi gene đặc biệt giúp các loại virus này dễ dàng tồn tại và lây nhiễm vào tế bào trong điều kiện "siêu băng hà" có thể không chỉ tồn tại ở Trái Đất. Chúng sẽ được sử dụng như mẫu đối chứng để tìm kiếm các chuỗi gene tương tự trên các thế giới ngoài hành tinh như Sao Hỏa hay mặt trăng, giúp đem về bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của sự sống cổ đại.
Nghiên cứu vừa công bố trên Microbiome.