'ViruSs xóa kênh YouTube để tránh mất trắng'
Việc streamer ViruSs xóa tài khoản YouTube 4 triệu người theo dõi được cho là một sự đánh đổi.
Sau 6 năm thành lập và hoạt động, streamer ViruSs, tên thật là Đặng Tiến Hoàng quyết định xóa kênh YouTube của mình.
“Xóa kênh YouTube 4 triệu người theo dõi là nước đi hay của ViruSs. Vừa tránh bị xóa mất toàn bộ video nếu vi phạm bản quyền thêm lần nữa. Đồng thời việc này giúp ViruSs có hệ thống nhiều kênh, tăng trưởng dễ dàng hơn so với một kênh lớn đã bão hòa”, ông Quan Dũng, quản trị viên nhóm cộng đồng làm YouTube lớn nhất tại Việt Nam, nhận định.
Kênh cũ gặp nhiều rắc rối
Theo chia sẻ của ViruSs, có hai lý do dẫn đến quyết định đóng kênh. Đầu tiên là việc nội dung gần đây đã đi lệch khỏi định hướng ban đầu của cá nhân.
“Kênh ban đầu vốn chỉ để đăng tải video stream và game. Hướng đi nội dung bây giờ của kênh khá lủng củng, chưa được hoàn hảo và chuẩn mực”, ViruSs cho biết.
Trước khi biến mất khỏi nền tảng, “ViruSs” là một trong những kênh nổi tiếng tại Việt Nam với hơn 4 triệu lượt theo dõi. Kênh bao gồm 3.135 video được tải lên, có nội dung chính khá đa dạng, xoay quanh các chủ đề như vlog cá nhân, livestream game, reaction video hay sản phẩm âm nhạc…
Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền là một trong những yếu tố chính khiến streamer này muốn từ bỏ. Trả lời Zing, ViruSs cho biết trong thời gian qua, kênh của mình bị phạt 3 "gậy" (cách tính số lần vi phạm của YouTube) do vấn đề bản quyền các video đăng tải trước đó. Nhờ kháng nghị thành công, kênh YouTube ViruSs chỉ bị phạt 2 "gậy".
Tuy nhiên, một số người làm YouTube lâu năm cho rằng kênh ViruSs vốn dĩ đã chịu 3 "gậy".
"Rất có thể kênh ViruSs đã bị phạt 3 gậy nhưng không xin được bên sở hữu nội dung gỡ gậy. Không còn cách nào khác ViruSs mới phải tuyên bố xóa kênh. Vì là streamer có tên tuổi, việc xây dựng lại hệ thống kênh không quá khó khăn với ViruSs", Lê Trọng Tấn, nhà sáng tạo nội dung YouTube lâu năm, chia sẻ với Zing.
Nguy cơ mất trắng nếu không đóng kênh
“Gậy là hình thức cảnh cáo vi phạm bản quyền có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiếm tiền của YouTuber. Nếu livestream vi phạm bản quyền bị gỡ, YouTube sẽ hạn chế khả năng phát trực tiếp của chủ kênh”, ông Quan Dũng cho biết.
Theo chính sách của YouTube, nếu dính gậy đầu tiên, chủ kênh không thể đăng tải video, sự kiện trực tiếp… trong một tuần. Nếu dính gậy thứ 2 trong cùng khoảng thời gian 90 ngày, chủ kênh không thể đăng nội dung trong vòng 2 tuần.
Nếu kênh của ViruSs dính 3 gậy và kháng nghị thất bại, anh Dũng cho biết tất cả video đã tải lên sẽ bị xóa. Ngoài ra, YouTube sẽ chấm dứt hoạt động tài khoản của chủ sở hữu cùng tất cả kênh liên kết.
Khi kênh bị dừng hoạt động, chủ kênh sẽ không thể tiếp tục kiếm tiền trên YouTube. Để được gỡ "gậy", người dùng cần gửi kháng nghị lên đội ngũ hỗ trợ của YouTube hoặc chờ hết thời gian cảnh cáo.
Nhiều ý kiến đề cập việc tại sao ViruSs không bán kênh YouTube mà lại xóa mất. Tuy vậy, nam streamer đã bác bỏ. “Kênh này bán đi được nhiều tiền nhưng mình quyết định không làm như vậy”, streamer khẳng định muốn bắt đầu từ con số 0, đồng thời từ chối bán kênh hay đổi tên.
Thế nhưng, theo giới chuyên môn, kênh đã bị phạt "gậy" như của ViruSs sẽ rất khó bán. Nếu không bị phạt "gậy" bản quyền, với lượng người theo dõi và thông số hoạt động "khủng", kênh của streamer này có thể được định giá từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng nếu rao bán.
"Kênh bị phạt 3 gậy có nổi tiếng mấy cũng vô giá trị. Nếu chỉ bị phạt 1,2 gậy, chủ kênh có thể bán cho các đội ngũ làm nội dung re-up với giá khoảng 100 triệu đồng", anh Tấn nhận định.
Bên cạnh đó, việc ViruSs cho biết muốn làm lại từ đầu cũng không thật sự thuyết phục bởi nam streamer này vẫn đăng lại những video cũ lên các kênh khác nhau.
Kế hoạch chia nhỏ rủi ro của ViruSs
Cách làm này của ViruSs được giới chuyên môn đánh giá là khôn khéo. Thực tế, trong năm qua, mức tăng trưởng lượt đăng ký của kênh ViruSs chững lại, không có mức tăng đột phát nào.
Theo thống kê của SocialBlade, số lượt theo dõi của kênh YouTube ViruSs cũ không có sự tăng trưởng đột phá. Mặc dù vậy, lượt xem của kênh giảm rõ rệt vào nửa cuối tháng 2.
"Có thể thấy kênh này đã bị ì, không thể phát triển được nữa", ông Quan Dũng nhận định nếu thành công trong việc chia tách, các video của ViruSs sẽ có độ phủ sóng cao hơn.
“Mỗi kênh có tỷ lệ đề xuất khác nhau, RPM (doanh thu/nghìn người xem) cũng khác nhau. Nên chuyển sang cách thức làm mới thay vì duy trì mãi một kênh mà views (lượt xem) không đột biến, làm kênh mới có thể views sẽ tăng gấp nhiều lần nữa”, ông Dũng đánh giá cao khả năng thành công của streamer này.
Ngày 30/3, Viruss thành lập 2 kênh mới. Những video này chưa có thêm nội dung gì trừ video xóa kênh 4 triệu người đăng ký.
Việc tách kênh sẽ giúp người xem tiếp cận đúng nội dung mình mong muốn.
"YouTube không cấm tài khoản kiếm tiền từ những nội dung được re-up. Ngoài ra, những video cũ vốn dĩ thuộc về ViruSs. Streamer này vẫn có thể đăng lại nội dung cũ lên kênh mới và kiếm tiền từ đây", ông Tấn cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viruss-xoa-kenh-youtube-de-tranh-mat-trang-post1199691.html