VIS Rating: EBITDA của các nhà sản xuất dệt may, đồ gỗ và thủy sản sẽ không đủ để bù đắp mức thuế cao
Theo số liệu của VIS Rating, sau khi Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2025 đã tăng mạnh khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng trưởng 10,5% trong 3 tháng đầu năm 2025.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu trong tháng 4 chủ yếu đến từ sự mở rộng tại thị trường Mỹ (35% so với cùng kỳ) so với mức 22% trong quý I/2025.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ, các sản phẩm từ khu vực FDI có mức tăng cao hơn trong tháng 4/2025, bao gồm điện tử (tăng 57% so với cùng kỳ), máy móc (+38%), trong khi các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, bao gồm dệt may (+23%), thủy sản (+15%) và đồ gỗ nội thất (+4%).
VIS Rating cho rằng, việc tạm ngưng áp dụng thuế đối ứng 46% trong 90 ngày, tạm thời thay thế bằng mức thuế 10% có hiệu lực từ ngày 10/4 đã thúc đẩy các nhà nhập khẩu Mỹ tích trữ hàng cho nửa cuối năm, giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 25% trong nửa cuối tháng 4/2025 so với nửa đầu tháng.
"Tuy nhiên, xu hướng tích trữ hàng sẽ sớm giảm dần trong các tháng còn lại của quý II/2025, khi các nhà nhập khẩu Mỹ đã tích lũy đủ hàng tồn kho cho nửa cuối năm. Thêm vào đó, các cuộc đàm phán đang diễn ra thuận lợi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mở đường xuất khẩu của Trung Quốc quay trở lại Mỹ và gia tăng cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới", ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm phân tích, VIS Rating chia sẻ.

Mức tăng xuất khẩu các ngành từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh trong tháng 4/2025 (Nguồn: Cục Hải quan, VIS Rating)
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ngành điện tử đã được hưởng lợi từ việc nhập khẩu trước của các doanh nghiệp Mỹ do được miễn thuế đối ứng. Ngược lại, các sản phẩm không thiết yếu - như đồ gỗ nội thất - đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm hơn sau thông báo áp thuế, do người tiêu dùng ít động lực tích trữ các mặt hàng này. Với 55% xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Mỹ, các chuyên gia của VIS Rating nhận thấy mục tiêu 18 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ) của ngành gỗ trong năm 2025 là rất khó đạt được dưới áp lực thuế quan hiện tại.

Biên lợi nhuận EBITDA trung bình của các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thuế 10% từ phía Mỹ (Nguồn: Dữ liệu công ty, VIS Rating)
"Biên lợi nhuận EBITDA của các nhà sản xuất các mặt hàng như dệt may, đồ gỗ và thủy sản đang ở mức khoảng 10-15%, sẽ không đủ để bù đắp mức thuế cao hơn 10% và chi phí logistics tăng do phí cập cảng mà Mỹ áp dụng đối với các tàu thuyền không được đóng tại Mỹ. Các công ty niêm yết có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như May Sông Hồng (dệt may), Phú Tài (đồ gỗ) và Vĩnh Hoàn (thủy sản) đã chỉ ra trong các cuộc họp ĐHĐCĐ gần đây rằng thị trường Mỹ sẽ không có lợi nhuận nếu như mức thuế cao hơn được áp dụng" - Nguyễn Đình Duy, CFA - Giám đốc, Chuyên gia phân tích cấp cao - VIS Rating