Vitamin D có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong vì COVID-19
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo cần tiếp tục nghiên cứu mối liên hệ giữa vitamin D và tỉ lệ tử vong vì COVID-19, cảnh báo người dân không bổ sung vitamin D quá mức.
Một nghiên cứu mới cho thấy có mối tương quan giữa tỉ lệ dân số thiếu vitamin D với tỉ lệ tử vong do đại dịch COVID-19, đài Fox News ngày 8-5 đưa tin.
Theo đó, các bệnh nhân ở những nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao như Ý, Tây Ban Nha hay Anh có mức vitamin D thấp hơn so với các bệnh nhân ở những nước có tỉ lệ tử vong thấp hơn.
Một nhóm nghiên cứu của ĐH Tây Bắc (bang Illinois, Mỹ) đã phân tích số liệu dịch bệnh ở Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ và đưa ra kết luận về mối liên hệ trên.
Nhóm đã đăng tải kết quả nghiên cứu lên kho lưu trữ dữ liệu nghiên cứu y khoa medRxiv. Đây là nghiên cứu ban đầu, đã được cơ quan chức năng Mỹ cấp phép, song chưa trải qua quá trình thẩm định khoa học.
Nhóm nghiên cứu còn nhận thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa nồng độ vitamin D và việc xuất hiện "bão cytokine" - tình trạng viêm nhiễm nặng do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.
"'Bão cytokine' có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến phổi và gây ra hội chứng suy hô hấp cấp và gây tử vong ở bệnh nhân. Đó dường như là thứ giết chết bệnh nhân chứ không chỉ từ việc virus phá hủy phổi" - thành viên nhóm nghiên cứu, nghiên cứu viên Ali Daneshkhah, nói.
Nhóm nghiên cứu cho biết cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu được cách vitamin D được cơ thể dùng để chống lại các biến chứng của COVID-19.
Đồng thời, nhóm cũng cảnh báo nghiên cứu không nhằm khuyến khích mọi người bổ sung vitamin D quá mức.
Người dẫn đầu nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Vadim Backman cho biết "tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mọi người biết được rằng thiếu vitamin D có ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong, tuy nhiên chúng ta không cần ép buộc bổ sung vitamin D cho tất cả mọi người".
"Cần nghiên cứu sâu hơn và tôi tôi hy vọng công trình của chúng tôi sẽ thúc đẩy sự quan tâm (đến việc bổ sung đủ vitamin D - PV). Dữ liệu cũng có thể làm sáng tỏ cơ chế tử vong - và một khi cơ chế này được chứng minh, nó có thể dẫn đến các mục tiêu trị liệu mới" - ông Backman nói tiếp.
Hiện nay, giới khoa học đã và đang tiến hành nhiều nghiên cứu để hiểu hơn về đại dịch COVID-19, về nguồn gốc mầm bệnh, cơ chế gây bệnh cũng như cách điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mà con người còn chưa biết hết về dịch bệnh nguy hiểm này.
Dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở nhiều nước, số ca nhiễm và số ca tử vong liên tục tăng.
Tính đến 11 giờ trưa 8-5, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 3.917.564, trong đó 270.720 người đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.