VITM Hà Nội 2025: Nhịp cầu quảng bá, xúc tiến du lịch của các địa phương

Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025, nhiều địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu các chương trình mới nhằm thu hút du khách.

Quảng Nam – Miền xanh di sản

Đây là chủ đề của Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Quảng Ninh, được kỳ vọng là “làn gió mới” tạo ra sự khác biệt đẳng cấp và phù hợp với xu hướng du lịch của thời đại, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Tại sự kiện, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ công bố một số sản phẩm du lịch mới dựa vào các giá trị di sản văn hóa có tính khác biệt cao và bền vững, thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn và sức khỏe của du khách.

Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ giới thiệu các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn, khai thác không gian tự nhiên yên bình kết hợp với các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Quảng Nam có nhiều tiềm năng cả về thiên nhiên và văn hóa để hiện thực hóa khái niệm “miền xanh di sản”.

Nơi đây tập trung hơn 460 di tích quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có hai di sản văn hóa thế giới là khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Sông Thanh, làng cổ Lộc Yên, địa đạo Kỳ Anh…

Nằm ở vị trí có lợi thế cả về giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không, năm 2024, Quảng Nam đã đón hơn 8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm đến gần 80%, tương đương khoảng 5,5 triệu.

Tận dụng những tài nguyên văn hóa được bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm, Quảng Nam lựa chọn đi theo con đường phát triển bền vững bằng du lịch xanh.

Những sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: “Cung đường di sản Hội An-Mỹ Sơn-Cổng trời Đông Giang”, đưa du khách đến vùng trời giao hòa giữa những con đường cổ kính, thánh địa linh thiêng của Vương quốc Chăm-pa xưa cũ giữa lòng thung lũng nguyên sinh.

Chương trình trải nghiệm tham quan làng quê, làng nghề Phố cổ Hội An như làng đất nung Thanh Hà, nơi đất nung hóa thành hình hài, mang theo tinh hoa của những đôi bàn tay tài nghệ; làng rau Trà Quế thơ mộng dưới màn sương trong buổi sớm mai. Ngoài ra, du khách có thể khám phá ẩm thực xứ Quảng và lưu trú tại các homestay xanh giữa lòng làng quê.

Trong năm 2025, tỉnh Quảng Nam mở rộng thêm các điểm đến, xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như tour khám phá rừng dừa Bảy Mẫu, trải nghiệm ngồi thuyền thúng xuyên rừng và thưởng thức ẩm thực bản địa giữa khung cảnh yên bình. Tour trải nghiệm dù lượn “Bay qua miền di sản”, chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt mỹ nơi biển, đồng bằng và núi rừng giao hòa nơi mảnh đất xứ Quảng. Tour khám phá Đỉnh Quế-Tây Giang, nơi du khách có thể phóng tầm mắt xuyên qua mây trời để ngắm nhìn những bản làng Cơ Tu, Ca Dong nguyên sơ ẩn mình trong sương sớm.

Đồng thời cũng trong năm nay, tỉnh Quảng Nam sẽ đăng cai các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế như Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam năm 2025, Lễ hội mì Quảng và Lễ hội đèn lồng tổ chức trong dịp hè 2025 với mong muốn tạo trải nghiệm mới cho du khách.

Trong hội nghị xúc tiến lần này, tỉnh Quảng Nam khởi động chiến dịch truyền thông đồng bộ từ website chính thức đến các fanpage và nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, YouTube.

Thông tin về chương trình được cập nhật liên tục trên hệ thống kênh truyền thông liên kết với các tỉnh, thành trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, cùng Văn phòng đại diện du lịch Quảng Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm tăng cường sự hiện diện và nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Nam trên toàn quốc và quốc tế.

Trong năm 2025, thông qua sự kết hợp trong dự án Du lịch bền vững của Thụy Sỹ, tỉnh Quảng Nam mong muốn quảng bá thêm hình ảnh du lịch xanh tại các địa phương khác ngoài Hội An, Mỹ Sơn nhằm thu hút thêm những nhóm du khách chất lượng và có trách nhiệm.

Cung đường “Nghệ An-Thanh Hóa-Ninh Bình”

Tại VITM Hà Nội 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình cũng tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tăng cường hoạt động liên kết, xây dựng tuyến du lịch giữa 3 địa phương.

Nghệ An-Thanh Hóa-Ninh Bình là các tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Nơi đây hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, như: Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình); Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa); Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An)…; nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt như: Khu di tích Kim Liên-Nam Đàn (Nghệ An), Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An), Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa)...

Ngoài ra, tại khu vực này, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận như: Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình), Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Di sản phi vật thể thế giới Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thúy Hà)

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thúy Hà)

Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An còn là những vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống với nhiều làn điệu ca, múa, nhạc vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa giàu sắc thái riêng như hò Sông Mã, dân ca Đông Anh (Thanh Hóa); hát Ví, Giặm (Nghệ An), hát Chèo, hát Xẩm (Ninh Bình), kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa)…

Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói cả nước cùng phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến, du lịch bền vững, du lịch xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại những giá trị kinh tế - xã hội lâu dài.

Năm 2025, tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An tiếp tục phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch để đẩy mạnh hiệu quả từ khai thác các tour du lịch liên kết của các tỉnh, góp phần định vị thương hiệu du lịch và thu hút khách trong nước và quốc tế.

Theo bà Vương Thị Hải Yến, hội nghị lần này nhằm xây dựng hình ảnh du lịch 3 tỉnh thông qua liên kết thành một hành trình du lịch xanh; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2025 đến với các tỉnh thành phía Bắc.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh phát triển du lịch xanh đang là xu hướng của du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam. Việc 3 địa phương Nghệ An – Thanh Hóa - Ninh Bình cùng liên kết để xây dựng tuyến hành trình du lịch xanh, gia tăng trải nghiệm cho du khách rất phù hợp với xu hướng, cho thấy nỗ lực của các tỉnh.

Tuy nhiên, để hành trình du lịch liên tuyến đạt hiệu quả, các địa phương cần phải tăng cường kết nối các tuyến điểm, gia tăng trải nghiệm cho du khách để đạt được mục tiêu thu hút khách lưu trú dài ngày. Muốn vậy, các địa phương cần phải phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái nổi bật của riêng mình.

Tại đây, các đại biểu từ Sở Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO đã có những trao đổi, góp ý để hành trình du lịch xanh Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình phát triển hiệu quả, bền vững.

Kết nối du lịch Hà Nội - Bình Thuận

Nhằm tăng cường công tác quảng bá, kích cầu du lịch giữa Hà Nội - Bình Thuận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại VITM Hà Nội 2025.

Bình Thuận được biết đến là một trong những điểm đến hấp dẫn với lợi thế về thiên nhiên tươi đẹp, bãi biển dài và khí hậu ôn hòa quanh năm, đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Bình Thuận dự ước đạt trên 2,6 triệu lượt, khách quốc tế đạt trên 152.000 lượt với đa số là khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh và Mỹ. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 7.000 tỷ đồng.

Tại VITM Hà Nội năm nay, ngành du lịch Bình Thuận đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút khách du lịch nội địa tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những nét đẹp hấp dẫn của điểm đến, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm du lịch, dịch vụ, chương trình kích cầu đặc biệt cho dịp đại lễ 30/4 và 1/5, mùa du lịch Hè cũng như trong năm 2025 và những năm tiếp theo đến với thị trường khách nội địa lẫn quốc tế.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, cho biết với mục tiêu phát triển du lịch xanh và bền vững, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch xanh gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống.

Biểu diễn văn nghệ truyền thống tại Hội nghị. (Ảnh: Thùy Dương)

Biểu diễn văn nghệ truyền thống tại Hội nghị. (Ảnh: Thùy Dương)

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh các sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ - biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay), du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe (Wellness); kết hợp du lịch với gặp gỡ, khen thưởng, hội thảo, sự kiện (MICE) góp phần phát triển du lịch xanh và bền vững.

Chia sẻ tại đây, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Trần Quang cho biết, thành phố Hà Nội luôn mở rộng các hoạt động liên kết, phối hợp phát triển du lịch với các địa phương trong đó có Bình Thuận.

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường liên kết, hợp tác du lịch với Bình Thuận để đẩy mạnh thu hút khách giữa hai địa phương. Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến, farmtrip với sự tham gia của các đơn vị lữ hành Hà Nội để xây dựng và phát triển tuyến du lịch Hà Nội-Bình Thuận hiệu quả, tăng trải nghiệm du khách trong và ngoài nước.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vitm-ha-noi-2025-nhip-cau-quang-ba-xuc-tien-du-lich-cua-cac-dia-phuong-310688.html