Vivo vượt Xiaomi và Samsung trở thành hãng smartphone bán chạy nhất Ấn Độ quý 3/2024
Trong quý 3/2024, Vivo đã bán được 9,1 triệu chiếc smartphone tại Ấn Độ, chiếm 19% thị phần.
Vivo (Trung Quốc) đã giành vị trí số 1 trong số các nhà sản xuất điện thoại di động tại Ấn Độ lần đầu tiên, vượt qua hai hãng dẫn đầu lâu năm ở quốc gia Nam Á này là Xiaomi và Samsung Electronics.
Vivo đã bán được 9,1 triệu chiếc smartphone tại Ấn Độ trong quý 3/2024, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 19% thị phần, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu Canalys.
Sự tăng trưởng của Vivo được thúc đẩy bởi chiến lược mạnh mẽ trên nhiều kênh bán hàng khác nhau, theo Canalys.
Nhà phân tích cấp cao Sanyam Chaurasia của Canalys cho biết trong báo cáo: "Vivo đã giành được vị trí số 1 nhờ các sản phẩm mới ra mắt ở phân khúc giá cao hơn cùng biên lợi nhuận kênh bán hàng mạnh mẽ".
Xiaomi (Trung Quốc) xếp thứ hai trong quý 3/2024 ở Ấn Độ với doanh số 7,8 triệu smartphone, chiếm 17% thị phần. Theo sát Xiaomi là Samsung Electronics (Hàn Quốc), đứng vị trí thứ ba với doanh số 7,5 triệu smartphone, chiếm 16% thị phần.
Xếp thứ tư trong quý 3 ở Ấn Độ, Oppo là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong top 5. Doanh số smartphone của Oppo tăng 43% lên 6,3 triệu chiếc trong quý này ở Ấn Độ, chiếm 13% thị phần.
“Cả Vivo và Oppo đều tận dụng các danh mục sản phẩm trực tuyến mở rộng của mình, gồm cả dòng Vivo T3 và Oppo K12, để tăng doanh số vượt xa các kênh bán hàng truyền thống vốn từng mạnh hơn của họ”, Sanyam Chaurasia viết.
Realme (thương hiệu smartphone giá rẻ Trung Quốc thuộc Oppo) đứng thứ 5 ở Ấn Độ trong quý 3/2024 khi xuất xưởng 5,3 triệu máy, chiếm 11% thị phần.
Theo Canalys, thị trường smartphone Ấn Độ nói chung đã tăng trưởng 9% trong quý 3/2024, với doanh số tổng cộng 47,1 triệu máy, khi các nhà cung cấp tăng cường bán hàng trên kênh trực tuyến và ngoại tuyến cho mùa lễ.
"Hầu hết nhà cung cấp đều tích cực vận chuyển smartphone để đáp ứng nhu cầu lễ hội, nhưng sức mua yếu hơn dự kiến sẽ dẫn đến tình trạng tích trữ hàng tồn kho", Sanyam Chaurasia cho hay.
Người dân Ấn Độ muốn thay thế hoặc nâng cấp smartphone ngày càng ưa chuộng các mẫu đắt tiền hơn nhờ sự mở rộng của các sản phẩm tầm trung và cao cấp cùng chương trình đổi trả, Sanyam Chaurasia nói thêm.
Ấn Độ là thị trường nước ngoài quan trọng với các nhà cung cấp smartphone Trung Quốc trong bối cảnh mở rộng nhanh chóng những năm gần đây. Họ cũng phải đối mặt với tình trạng bất ổn do căng thẳng địa chính trị và sự giám sát của cơ quan quản lý sau cuộc đụng độ ở biên giới gây chết người năm 2020 giữa binh lính Trung Quốc với Ấn Độ.
Các hãng smartphone Trung Quốc, gồm cả Xiaomi, Vivo và Huawei, đã trở thành mục tiêu của chính phủ Ấn Độ với cáo buộc trốn thuế và vi phạm tài chính khác.
Cuối tháng 12.2023, Cơ quan chống tội phạm tài chính Ấn Độ bắt giữ hai nhân viên cấp cao làm việc cho đơn vị Vivo tại quốc gia Nam Á, theo Reuters.
Sự việc diễn ra hai tháng sau khi Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ bắt giữ bốn quan chức, gồm cả một công dân Trung Quốc, làm việc cho đơn vị Vivo ở quốc gia Nam Á trong một vụ cáo buộc rửa tiền. Đây là cáo buộc mà Vivo phủ nhận.
Người phát ngôn của Vivo cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo lắng trước hành động hiện tại của cơ quan chức năng. Các vụ bắt giữ gần đây cho thấy hành vi quấy rối vẫn tiếp tục diễn ra và do đó gây ra một môi trường bất ổn trong bối cảnh rộng lớn hơn của ngành. Chúng tôi kiên quyết sử dụng mọi con đường pháp lý để đối mặt và thách thức những cáo buộc này”.
Hồi tháng 10.2023, Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ cho biết nhiều nhân viên Vivo và các chi nhánh công ty ở Ấn Độ đã giấu thông tin về công việc của họ khi xin thị thực (visa).
Các cáo buộc của cơ quan này được trình bày chi tiết hôm 11.10.2023 trong một hồ sơ tòa án không công khai, sau vụ Ấn Độ bắt giữ Guanwen Kuang - lãnh đạo Vivo trong một cuộc điều tra rửa tiền được tiến hành vào năm 2022 ở Ấn Độ.
Trong hồ sơ dài 32 trang, Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ cho biết ít nhất 30 cá nhân Trung Quốc vào Ấn Độ bằng thị thực kinh doanh và làm nhân viên Vivo, nhưng mẫu đơn đăng ký của họ “không bao giờ tiết lộ” làm cho công ty này.
Cơ quan này cho biết trong hồ sơ: “Nhiều nhân viên của các công ty thuộc Vivo đã làm việc ở Ấn Độ mà không có thị thực thích hợp. Họ đã che giấu thông tin liên quan đến chủ lao động của mình trong đơn xin thị thực và lừa dối đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Ấn Độ ở Trung Quốc”.
Năm 2022 Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ đã đột kích 48 địa điểm có liên quan đến Vivo và các cộng sự của hãng này trong cuộc điều tra rửa tiền. Cục này cáo buộc Vivo chuyển tiền bất hợp pháp sang Trung Quốc để trốn thuế Ấn Độ thông qua các công ty mà họ gián tiếp kiểm soát.
Theo hồ sơ tòa án, 1,07 ngàn tỉ rupee (khoảng 12,87 tỉ USD) đã được Vivo chuyển ra bên ngoài Ấn Độ cho một số công ty thương mại do hãng kiểm soát, mà Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ gọi là "lớp che đậy" nhằm tránh sự chú ý của chính phủ.
"Trong các báo cáo theo quy định từ năm 2014-2015 đến 2019-2020 không thể thấy bất kỳ lợi nhuận nào và không có thuế thu nhập nào được nộp, nhưng một số tiền lớn đã được chuyển ra khỏi Ấn Độ", cơ quan chống tội phạm tài chính Ấn Độ cho biết thêm.
Vào tháng 7.2022, cơ quan này ước tính Vivo đã chuyển 624,7 tỉ rupee (khoảng 7,5 tỉ USD) chủ yếu sang Trung Quốc.
Chính quyền Ấn Độ đã đột kích hàng chục văn phòng của Vivo vào tháng 7.2022 vì nghi ngờ rửa tiền, sau những hành động tương tự để điều tra Xiaomi và Huawei.
Tháng 12.2022, đơn vị tình báo thuế thu nhập, thuộc Bộ Tài chính của Ấn Độ đã tịch thu khoảng 27.000 smartphone Vivo trị giá gần 15 triệu USD tại sân bay New Delhi, ngăn cản công ty con ở Ấn Độ của công ty này xuất khẩu thiết bị sang các thị trường lân cận, theo bản tin của Bloomberg thời điểm đó.
Ấn Độ cáo buộc Samsung, Xiaomi cấu kết với Amazon và Flipkart để ra mắt sản phẩm độc quyền online
Samsung Electronics, Xiaomi cùng các công ty smartphone khác cấu kết với Amazon và Flipkart thuộc Walmart để ra mắt sản phẩm độc quyền trên các trang web thương mại điện tử của họ tại Ấn Độ, vi phạm luật chống độc quyền, theo các báo cáo quy định mà Reuters đã thấy hồi tháng 9.
Các cuộc điều tra chống độc quyền do Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) thực hiện phát hiện rằng Amazon và Flipkart đã vi phạm luật cạnh tranh địa phương bằng cách ưu tiên cho những người bán chọn lọc, ưu tiên danh sách nhất định và giảm giá sản phẩm sâu, gây tổn hại cho nhiều công ty khác, Reuters đưa tin.
Việc các hãng sản xuất smartphone, gồm cả Samsung Electronics và Xiaomi, bị đưa vào vụ việc có thể làm gia tăng vấn đề pháp lý và tuân thủ của họ.
"Độc quyền trong kinh doanh là điều đáng lên án. Không chỉ đi ngược lại với cạnh tranh tự do và công bằng mà còn đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng", G.V. Siva Prasad, lãnh đạo CCI, viết trong các báo cáo về Amazon và Flipkart với những phát hiện giống nhau.
Reuters là nguồn đầu tiên đưa tin các hãng smartphone bị cáo buộc có hành vi phản cạnh tranh trong các báo cáo của CCI.
Xiaomi từ chối bình luận, trong khi các nhà sản xuất smartphone khác không trả lời câu hỏi của Reuters.
Amazon, Flipkart, CCI không phản hồi và đến nay chưa bình luận về các phát hiện của báo cáo.
Cả hai báo cáo của CCI đều cho biết trong quá trình điều tra, Amazon và Flipkart đã "cố tình làm giảm mức độ nghiêm trọng" cáo buộc về việc ra mắt sản phẩm độc quyền trên nền tảng của họ, nhưng các quan chức phát hiện rằng hành vi này là phổ biến và xảy ra thường xuyên.
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy Samsung Electronics và Xiaomi là hai trong số các công ty smartphone lớn nhất tại Ấn Độ.
Dự kiến giá trị thị trường bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ sẽ vượt quá 160 tỉ USD vào năm 2028, tăng từ 57–60 tỉ USD trong 2023, theo ước tính của công ty tư vấn Bain.
Kết quả điều tra nêu trên là trở ngại lớn với Amazon và Flipkart trong thị trường tăng trưởng quan trọng, nơi họ phải đối mặt với sự tức giận của các nhà bán lẻ nhỏ nhiều năm vì làm tổn hại đến những doanh nghiệp bán hàng ngoại tuyến.
CCI cũng cho biết cả hai công ty này đều sử dụng khoản đầu tư nước ngoài của mình để cung cấp giá ưu đãi cho các dịch vụ như kho bãi và tiếp thị cho một số nhà bán hàng nhất định.
Theo Reuters, một số hãng smartphone như Xiaomi, Samsung Electronics, OnePlus, Realme và Motorola được yêu cầu nộp báo cáo tài chính của ba năm tài chính đến 2024 cho CCI, được chứng nhận bởi kiểm toán viên của họ.
Cuộc điều tra Amazon, Flipkart cùng những người bán của họ được khởi động vào năm 2020 bởi khiếu nại từ một chi nhánh của hiệp hội bán lẻ lớn nhất quốc gia là Liên đoàn các Nhà Thương mại toàn Ấn Độ, có 80 triệu thành viên.
Thời gian tới, CCI xem xét bất kỳ phản đối nào với kết quả điều tra từ Amazon, Flipkart, hiệp hội bán lẻ cùng các hãng smartphone và có thể sẽ áp đặt các khoản phạt. Song song đó, CCI sẽ yêu cầu các công ty thay đổi các thực tiễn kinh doanh của họ, theo những người quen thuộc với vấn đề.
Các nhà bán lẻ Ấn Độ nhiều lần cáo buộc Amazon, Flipkart cùng những hãng smartphone về việc ra mắt điện thoại độc quyền trực tuyến, cho rằng cửa hàng truyền thống bị ảnh hưởng vì không nhận được các mẫu mới nhất nên khách hàng phải tìm kiếm chúng trên trang web mua sắm.
"Việc ra mắt độc quyền không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các người bán bình thường trên nền tảng mà còn đến các nhà bán lẻ truyền thống, vốn được cung cấp điện thoại di động vào một thời điểm muộn hơn", theo cả hai báo cáo của CCI, trích dẫn phân tích dữ liệu từ các hãng smartphone.
Hãng nghiên cứu Datum Intelligence (Ấn Độ) ước tính rằng 50% doanh số điện thoại di động là trực tuyến vào năm 2023, tăng từ 14,5% trong 2013. Flipkart nắm 55% thị phần trong doanh số điện thoại di động trực tuyến năm 2023 và Amazon chiếm 35%.