VKSND 2 cấp tỉnh Phú Yên: Nhiều kiến nghị khắc phục vi phạm đạt hiệu quả tích cực
Các kiến nghị của ngành Kiểm sát các cấp đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo, nhờ đó nhiều vi phạm, tồn tại trong quá trình giải quyết án và thi hành án được giải quyết kịp thời.
Thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Yên xác định, để tạo “sức nặng” cũng là nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị, hoạt động này cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực nổi cộm, còn nhiều tồn tại tại địa phương. Một trong số đó là lĩnh vực thi hành án dân sự- hành chính (THADS-HC).
Trong những năm gần đây, mặc dù Thường trực Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Phú Yên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các bản án hành chính; tuy nhiên, thực tế nỗ lực đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều bản án có hiệu lực pháp luật chưa được đưa ra thi hành kịp thời, còn nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.
Ngay từ đầu năm 2024, VKSND tỉnh Phú Yên, trực tiếp là Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THA (Phòng 8) đã bám sát các nội dung của Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2024, Kế hoạch số 01/KH-VKS-VP ngày 2/1 của Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên và các Hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND tối cao để xây dựng chương trình công tác của đơn vị; đồng thời cũng xây dựng lộ trình hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ của từng khâu công tác. Bên cạnh đó, phân công Kiểm sát viên thực hiện cụ thể những chỉ tiêu đề ra và ấn định đúng thời gian hoàn thành.
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng và đáp ứng nhiệm vụ năm 2024, trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng 8 đã tham mưu cho lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Yên ban hành 3 kiến nghị riêng để yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục vi phạm trong công tác THADS. Đáng lưu ý, các kiến nghị này đều được cơ quan được kiến nghị chấp nhận và nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan liên quan. Đặc biệt, qua tiến hành trực tiếp kiểm sát hoạt động THADS tại một số Chi cục THADS cấp huyện tại địa phương đã phát hiện việc thu, chi, quản lí tiền, tài sản THA có nhiều vi phạm.
Các tài khoản đều tồn đọng số tiền lớn của nhiều năm, có khoản tồn đến 30 năm trên tài khoản kho bạc nhưng không được kiểm tra, rà soát, xử lí theo quy định. Trước thực tế này, ngày 23/5, VKSND tỉnh Phú Yên đã ban hành kiến nghị đối với Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phú Yên về việc kiến nghị chỉ đạo khắc phục vi phạm trong công tác THADS.
Tiếp đến, ngày 29/5, VKSND tỉnh Phú Yên ban hành kiến nghị với nội dung tượng tự đến đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh Phú Yên, chỉ đạo khắc phục vi phạm nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đương sự; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác THADS trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay sau đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có Công văn số 3440/UBND-NC, ngày 12/6, chỉ đạo khắc phục những vi phạm trong công tác THADS theo kiến nghị của VKSND tỉnh.
Tại văn bản số 3440/UBND-NC, ngoài việc chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các vi phạm, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu Cục THADS tỉnh và lãnh đạo UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đơn vị và cá nhân để xảy ra vi phạm theo quy định, đồng thời thông báo rộng rãi các sai sót, vi phạm để rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành THADS địa phương, báo cáo kết quả xử lí cho VKSND tỉnh và UBND tỉnh. Thực tế, công tác kiến nghị vi phạm lĩnh vực THADS được VKSND tỉnh Phú Yên chú trọng từ nhiều năm trước.
Trước đó, ngày 4/11/2021, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kiến nghị số 1612/KN-VKS-P8 đối với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trong công tác THAHC; tuy nhiên, sau gần ba năm ban hành kiến nghị, đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn 32 bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chưa thi hành xong thuộc trách nhiệm thi hành của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Ngày 31/1, VKSND tối cao đã ban hành Kiến nghị số 20/KN-VKSTC gửi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Kiến nghị nêu rõ: “Thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong THAHC, ngày 4/11/2021, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kiến nghị số 1612/KN-VKS-P8 đối với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nội dung: Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên quan tâm, ban hành văn bản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm chỉnh thi hành bản án của Tòa án. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chấp nhận kiến nghị của VKSND tỉnh, nhưng đến nay vẫn còn tồn 32 bản án chưa thi hành xong”.
Sau khi nhận được kiến nghị của VKSND tối cao, ngày 11/3, UBND tỉnh Phú Yên có Công văn số 1369/UBND-NC gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp và UBND các huyện, thị; đến ngày 22/3/2024, UBND tỉnh Phú Yên ban hành tiếp văn bản gửi thủ trưởng các sở ngành thuộc tỉnh và 9 Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, yêu cầu khẩn trương chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính thuộc trách nhiệm phải thi hành còn tồn đọng được nêu trong kiến nghị của VKSND tối cao.
Văn bản cũng đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo xem xét xử lí trách nhiệm của các cá nhân có liên quan dẫn đến việc tồn đọng, chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.
Tiếp đến, ngày 29/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên có Văn bản số 703-CV/TU chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh, Thường trực các huyện, thị, thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục THADS về việc khắc phục vi phạm trong THAHC, yêu cầu phải thực hiện nghiêm Kiến nghị số 20/KN-VKSTC ngày 31/1 của VKSND tối cao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng thời yêu cầu Ban cán sự đảng VKSND tỉnh tăng cường công tác kiểm sát việc THAHC của các cơ quan hành chính nhà nước, kịp thời kiến nghị, đề nghị khắc phục vi phạm và báo cáo tham mưu Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật và sự quyết liệt, đồng bộ trong công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, đến nay tất cả 9 huyện, thị, thành ủy thuộc tỉnh Phú Yên đều có văn bản chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương, tập trung triển khai tổ chức thi hành các bản án hành chính còn tồn đọng trên địa bàn, có báo cáo gửi UBND tỉnh, VKSND tỉnh và các ngành có liên quan.
Đối với những trường hợp có khó khăn, vướng mắc, khó thi hành thì UBND tỉnh, UBND cấp huyện mời VKSND, TAND, Cục THADS tỉnh họp bàn biện pháp tháo gỡ cho từng điểm, mục cụ thể của bản án và vụ việc phải thi hành, trên tinh thần tổ chức thi hành nhanh nhất đối với bản án, quyết đinh đã có hiệu lực pháp luật.
Ngày 2/4, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh, với thành phần tham gia gồm lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố có bản án, quyết định về hành chính phải thi hành; các sở, ban, ngành liên quan; VKSND tỉnh và Cục THADS tỉnh Phú Yên để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức THA và đề ra giải pháp tổ chức thi hành đối với từng vụ việc cụ thể nhằm thi hành dứt điểm 32 bản án hành chính còn tồn đọng trong thời gian sớm nhất.
Kết luận cuộc họp này, Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh Phú Yên khẳng định nguyên tắc các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được tổ chức thi hành nghiêm túc, đúng quy định pháp luật; đồng thời nhấn mạnh các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án phải chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho VKSND, Cơ quan THA cùng cấp; yêu cầu UBND các huyện, thị phải khẩn trương tổ chức thực hiện dứt điểm bản án trong quý II/2024; giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh trả lời kiến nghị của VKSND tối cao.
Có thể thấy, việc thực hiện Kiến nghị số 20/KN-VKSTC ngày 31/1/ của VKSND tối cao đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh Phú Yên vào cuộc quyết liệt. Chỉ trong thời gian ngắn 32 vụ án hành chính có hiệu lực pháp lực còn tồn đọng đã được thi hành hoặc có giải pháp, đề ra lộ trình thi hành cụ thể, đem lại hiệu ứng tích cực về tính thượng tôn pháp luật, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào các cấp ủy Đảng và chính quyền; khẳng định vai trò của VKSND, của người cán bộ Kiểm sát viên bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Với hiệu quả đó, công tác kiểm sát THADS đặc biệt là kiến nghị của Viện kiểm sát trong thời gian qua được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao. Điều này được thể hiện qua việc Phòng 8 đã chủ động tham mưu cho Ban cán sự đảng VKSND tỉnh báo cáo đề xuất và được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Phú Yên đưa vào nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2024, giao cho VKSND tỉnh Phú Yên phối hợp với các đơn vị tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, THAHC.
Với tinh thần khẩn trương và sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan tham mưu, đến ngày 27/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, THAHC trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 17/4, Phòng 8 tiếp tục tham mưu giúp Ban cán sự đảng VKSND tỉnh ban hành Kế hoạch số 419/KH-BCSĐ về tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành Kiểm sát Phú Yên, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo VKSND tỉnh và Cục THADS tỉnh phối hợp, chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị.
Sau một thời gian xây dựng, đóng góp ý kiến và thảo luận, ngày 23/4, hai ngành đã tổ chức kí kết Quy chế. Đây là những nền tảng quan trọng giúp cho VKSND tỉnh Phú Yên, Cơ quan THADS cùng các cơ quan hữu quan tăng cường sự phối hợp, thống nhất khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS, THAHC trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.