VKSND huyện Quảng Xương tích cực tham gia triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ
Cùng với xu thế chuyển đổi số của cả nước, VKSND huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) xác định công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của đơn vị. Bên cạnh đó, tạo những bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của công chức và người lao động trong cơ quan.
Vừa qua, UBND huyện Quảng Xương đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia, giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2030” (gọi tắt là Đề án 06 của Chính Phủ) đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nhận thấy vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng hết sức to lớn của Đề án 06, đồng chí Vũ Hà – Viện trưởng VKSND huyện Quảng Xương, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Huyện ủy Quảng Xương đã tham dự và tiếp thu các nội dung trực tuyến tại Huyện ủy; đồng thời kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại Viện kiểm sát huyện để tiếp thu và thực hiện các nội dung chuyển đổi số trong toàn quốc nói chung, trong ngành kiểm sát nhân dân và viện kiểm sát huyện nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chỉ đạo điều hành.

Cán bộ, công chức VKSND huyện Quảng Xương được hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị trong thực hiện chuyển đổi số.
Có thể thấy khi triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.
Cùng với đó, người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử, thanh toán điện tử gắn với các hệ sinh thái các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng chữ kỹ số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng.
Trong những năm qua, công tác chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ tại VKSND huyện Quảng Xương đã có những chuyển biến rõ nét đáng khích lệ. Trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành: Đơn vị đã sử dụng các phần mềm, ứng dụng có khả năng đáp ứng về nền tảng quản trị thống nhất cho 100% hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và quản trị nội bộ của đơn vị; 100% nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo điều hành nội bộ được giao xuống các đồng chí Phó Viện trưởng, các bộ phận công tác, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên và người lao động được cập nhật trên hệ thống quản lý công việc. Lãnh đạo đơn vị có thể theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện công việc của cấp dưới thông qua môi trường số và hệ thống thông tin, có chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của Ngành).
Toàn bộ công chức, người lao động trong đơn vị được gắn định danh số trong xử lý công việc, sử dụng thành thạo các ứng dụng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin. Khi có yêu cầu, 100% các cuộc họp có thể tổ chức bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp; 100% các điểm cầu cho phép họp trên các thiết bị di động như: máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Đồng chí Vũ Hà - Viện trưởng VKSND huyện Quảng Xương triển khai các nội dung trong buổi tập huấn đến toàn thể cán bộ, công chức.
Các chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng có thể thực hiện trực tuyến đến các điểm cầu kết hợp trực tiếp tại điểm cầu trung tâm. Hồ sơ công chức, người lao động được xác nhận lưu trữ trên cơ sở dữ liệu nhân sự đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kịp thời cập nhật thông tin, dữ liệu khi có thay đổi, bảo đảm có khả năng liên thông với hồ sơ quản lý đảng viên.
Đối với các hoạt động nghiệp vụ, đơn vị xác định chuyển đổi số trong công tác “Số hóa hồ sơ nghiệp vụ” nói chung, báo cáo án bằng “Sơ đồ tư duy” nói riêng là quá trình áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, các ứng dụng và phần mềm chuyên dùng để xử lý kỹ thuật, tự động hóa các tài liệu có trong hồ sơ nghiệp vụ, từ việc xây dựng hồ sơ nghiệp vụ ở dạng văn bản giấy cho đến các tài liệu, chứng cứ điện tử đã được chuyển hóa thành các tài liệu tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại,… quản lý hồ sơ đến, hồ sơ đi; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu điện tử.
Chuyển đổi số trong công tác số hóa hồ sơ nghiệp vụ đã giúp tăng khả năng lưu trữ, truy xuất thông tin, tài liệu, chứng cứ, nhất là khả năng lưu trữ và bảo mật dữ liệu được thu thập trong quá trình điều tra, xác minh; đồng thời giúp cho việc trình chiếu các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa thành các dữ liệu điện tử tại các phiên tòa, phiên họp được nhanh chóng, chính xác, khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 60% hồ sơ nghiệp vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp được số hóa, bảo đảm phục vụ hiệu quả cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và lưu trữ hồ sơ khi kết thúc các hoạt động nghiệp vụ. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ số hóa hồ sơ nghiệp vụ là 100%. Toàn bộ các loại sổ sách theo dõi các khâu công tác về nghiệp vụ (sổ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; sổ thụ lý điện tử hình sự, sổ thụ lý kiểm sát án dân sự, sổ theo dõi cáp dụng các biện pháp ngăn chặn,…) được thực hiện trên các phần mềm quản lý.

Phiên tòa trực tuyến kết hợp trực tiếp; trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.
Các báo cáo thống kê liên ngành giữa Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Tòa án cùng cấp, thống kê nghiệp vụ kiểm sát được thực hiện dưới dạng điện tử, được số hóa, áp dụng chữ ký số, thực hiện liên thông tự động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiện tại, VKSND huyện Quảng Xương đã và đang kết nối để thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành trong việc trao đổi thông tin; tổ chức phiên tòa trực tuyến, hỏi cung, lấy lời khai trực tuyến khi có yêu cầu và kết nối, chia sẻ dữ liệu để thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư. Việc đưa vào sử dụng các thiết bị số trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai ghi âm, ghi hình có âm thanh tại đơn vị sẽ góp phần thực hiện đúng tinh thần Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm quyền của bị can, người tham gia tố tụng.
Đồng thời, đây còn là phương thức giám sát hiệu quả, chống bức cung, nhục hình và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh sẽ giúp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hành vi phạm tội, bảo đảm giá trị chứng minh của các chứng cứ đã thu thập được trong hồ sơ vụ án./.