VKSND Tối cao đề nghị thực nghiệm lại hiện trường vụ án tử tù Hồ Duy Hải
Nhiều điểm mâu thuẫn, vô lý trong vụ án Hồ Duy Hải bị kết tội giết 2 nhân viên bưu điện Cầu Voi (Long An) đang dần được Hội đồng Giám đốc thẩm làm rõ.
Ngày 7/5, phiên xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản" liên quan đến án mạng hai nữ nhân viên tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tiếp tục diễn ra.
Đáng chú ý, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường để xác định thời gian, thời điểm Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện buổi tối diễn ra án mạng. Đây cũng là nội dung liên quan đến kháng nghị của Viện Kiểm sát và chứng cứ đưa ra của luật sư Trần Hồng Phong (người đề nghị cung cấp chứng cứ).
Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề cập đến việc bản Kết luận điều tra nêu nhân chứng Đinh Vũ Thường đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút ngày 13/1/2008, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện. Nhưng cũng theo kết luận điều tra, vào lúc 19 giờ 13 phút, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà dì ruột của bị cáo... Tính toán quãng đường và thời gian, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, Hải không thể có mặt tại Bưu điện lúc 19 giờ 39 phút như kết luận điều tra.
Cũng trong lời khai, Đinh Vũ Thường xác nhận nam thanh niên ngồi ghế salon chỉ nhìn thoáng qua không nhớ mặt, Thường không thể nhận dạng qua khuôn mặt được.
Tiếp đó, đại diện Hội đồng Thẩm phán đặt câu hỏi: Cơ sở nào Tòa vẫn tiến hành xét xử vụ án khi không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường? Việc vắng mặt Thường tại phiên tòa có ảnh hưởng đến kết quả xét xử không?
Trả lời nội dung này, đại diện Tòa sơ thẩm lý giải, khi thẩm tra vụ án có lấy lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường. Nhân chứng này có khai phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải và lời khai của các nhân chứng khác về thời gian tối hôm đó có mặt Hồ Duy Hải. Hải không nói về giờ, nhưng nói thời điểm đó có mặt ở Bưu điện Cầu Voi. Theo đại diện Tòa sơ thẩm, việc vắng mặt Đinh Vũ Thường không ảnh hưởng đến việc xét xử, vì đã có lời khai trong quá trình điều tra.
Tiếp đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chất vấn: Có lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, tại sao không đưa vào hồ sơ vụ án?
Trả lời vấn đề này, theo điều tra viên của vụ án, ngày 19/1/2008, cơ quan điều tra lấy lời khai lần đầu tiên với Đinh Vũ Thường. Nhân chứng Thường khai là người xuất hiện tại hiện trường vào tối xảy ra vụ án. Khi đó, cơ quan điều tra xác định làm việc với Thường với tư cách là đối tượng tình nghi trong vụ án. Quá trình làm việc đã tập trung làm rõ về thời gian có mặt, nhân thân, nhận dạng. Sau đó, cơ quan điều tra lưu hồ sơ với các đối tượng tình nghi khác.
"Nên cơ quan điều tra lưu hồ sơ lời khai của Thường với tư cách là đối tượng tình nghi phạm tội chứ không phải là nhân chứng vụ án", đại diện cơ quan điều tra lý giải.
Đại điện Hội đồng Thẩm phán tiếp tục đặt câu hỏi: Cơ quan điều tra có kiểm tra danh sách điện thoại của Bưu điện Cầu Voi hay không? Nếu có thì trong ngày 13/1/2008 có số điện thoại nào của Hồ Duy Hải gọi đến bưu điện hay không?
Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, quá trình truy xét đã căn cứ dữ liệu bộ nhớ điện thoại của Bưu điện Cầu Voi. Theo căn cứ truy xét này, vào lúc 11 giờ 25 phút ngày 13/1/2008, có số điện thoại là 0909015712 gọi vào số điện thoại bàn của bưu điện, thời lượng gọi là 25 giây. Từ cuộc điện thoại này, điều tra viên truy ra ai là người sử dụng số điện thoại này, từ đó xác minh được số điện thoại của Hồ Duy Hải.
Tổng kết lại vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao còn băn khoăn về việc tính toán xem thời gian đó Hồ Duy Hải có mặt hay không có mặt ở hiện trường; căn cứ thời gian các hoạt động của Hải tối hôm đó thì chưa hợp lý.
"Nhưng sự có mặt của Hải không chỉ chứng minh bằng thời gian, mà theo cơ quan điều tra giải trình, còn bằng những chứng cứ khác. Chúng ta phải tổng hợp chứng cứ, mới chứng minh được vấn đề này", Chánh án nói và đưa ra các lập luận.
Thứ nhất là dữ liệu điện thoại. Thứ hai, thực nghiệm điều tra về khoảng thời gian Hải có mặt tại hiện trường là phù hợp. Thứ ba, nhận dạng trong lời khai của nhân chứng Thường chưa xác nhận chính xác thanh niên đó là Hải vì hai người này không biết nhau, không thể nhìn qua là nhận dạng được. Nhưng mô tả đặc điểm nhận dạng là tương đồng, đặc biệt có một chi tiết phù hợp lời khai của Hải là cầm điện thoại và anh Thường cũng nhìn thấy.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có ý kiến phản hồi. Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy, kết luận về thời gian của Hồ Duy Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp.
Do vậy, đại điện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần có thực nghiệm lại hiện trường. Trong đó, tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe,... rồi từ đó đến bưu điện. "Chứ chúng ta không ngồi đây để suy diễn về khoảng thời gian", đại diện Viện Kiểm sát nói.
Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Tòa án 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích. Bởi khi xét xử, Tòa án phải đánh giá toàn diện những vấn đề đó; từ đó đề nghị, hai bản án đó phải hủy và xem xét lại.
Tại phiên giám đốc thẩm, nội dung kháng nghị cũng chỉ ra sự mâu thuẫn rất lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo tại biên bản khám nghiệm hiện trường lúc 8h10 ngày 14/1/2008, phản ánh trên bàn bếp có ly, tô, dĩa đã sử dụng chưa rửa; khu vực nền nhà tắm và lavabo khô ráo, mở vòi nước trên lavabo không có nước chảy.
Hải lại có nhiều lời khai về việc đi ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao cho sạch máu; có nhiều lời khai về việc đập đầu, mặt chị H. vào lavabo nhưng kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết ở lavabo.
Về vấn đề này, Viện KSND Tối cao có câu hỏi với điều tra viên của vụ án là ông Lê Thành Trung: Tại sao trong biên bản khám nghiệm hiện trường lại thể hiện không để lại dấu vết trên lavabo?
Theo điều tra viên Lê Thành Trung, trong giai đoạn đầu, do bị can Hồ Duy Hải sợ bị mức án cao nên khai thiếu tình tiết và thừa tình tiết để kéo dài thời gian điều tra.
Điều tra viên đưa ra dẫn chứng rằng trong bản hỏi cung, Hải khai: "Tôi khai là đập đầu nạn nhân vào nắp lavabo trong nhà vệ sinh nhưng thực tế là đập bằng thớt ở chân cầu thang... Tôi chính là thủ phạm gây ra cái chết cho 2 nạn nhân... ".
Đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục chỉ ra những mâu thuẫn giữa các lời khai của Hải về cách thức tấn công nạn nhân. Tuy nhiên cơ quan điều tra, tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm chưa làm rõ những mâu thuẫn này.
Trả lời câu hỏi tại sao khám nghiệm hiện trường không thu được vật chứng cái thớt, điều tra viên nói: "Do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt. Đây là thiếu sót của cơ quan điều tra, xin nhận khuyết điểm này".
Theo bản án, tối 13/1/2008, Hải đến Bưu điện Cầu Voi trong phiên trực của chị Nguyễn Thị Ánh H. (23 tuổi) và em họ tên V. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với H. nên đưa tiền cho V đi mua trái cây.
Khi chị H. chống trả, Hải sát hại. Một lúc sau V quay về cũng bị anh ta xuống tay. Gây án xong, Hải lấy điện thoại và một số nữ trang của các nạn nhân mang lên TP HCM bán lấy tiền tiêu xài.
TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM sau đó đều tuyên phạt Hải mức án tử hình. Anh ta có đơn xin Chủ tịch nước ân xá nhưng không được chấp nhận.
Hải và gia đình sau đó đã làm đơn kêu oan gửi nhiều cơ quan xin xem xét lại vụ án. Tháng 11 năm ngoái, VKSND Tối cao đã kháng nghị vụ án đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm hủy hai bản án trước đó do quá trình điều tra, xét xử có nhiều vi phạm, thiếu căn cứ.