VKSND tối cao phối hợp đánh giá về thực hiện thi hành án hành chính
Bộ Tư pháp đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao phối hợp đánh giá về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án hành chính (THAHC) theo Luật TTHC năm 2015 sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; đồng thời, đánh giá các quy định của Nghị định và những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định của Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa có Quyết định số 673/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch sơ kết 5 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016).
Theo Kế hoạch, thực hiện khoản 3 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016, sau khi Nghị định được ban hành, đến nay, để đánh giá tình hình, kết quả triển khai thi hành Nghị định này, Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch sơ kết 5 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016, với các nội dung cụ thể đã được xác định.
Theo Bộ Tư pháp, việc sơ kết nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, kết quả 5 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016. Đồng thời, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các quy định tại Nghị định số 71/2016; nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; xác định nguyên nhân, đề xuất những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về THAHC nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THAHC.
Kế hoạch yêu cầu việc sơ kết cần được thực hiện nghiêm túc, toàn diện trên phạm vi cả nước cũng như trong phạm vi từng địa phương và tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan.
Nội dung sơ kết bảo đảm bám sát các quy định của Nghị định số 71/2016, các quy định có liên quan của Luật TTHC năm 2015; phản ánh đúng tình hình thực tế và những yêu cầu đặt ra trong quá trình thi hành; kết quả sơ kết phải xây dựng thành báo cáo tổng hợp chung.
Phân công nhiệm vụ hợp lý, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức sơ kết.
Nội dung sơ kết, gồm: Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 71/2016 (công tác quán triệt, chỉ đạo, triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến; công tác ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện...)
Việc thực hiện các quy định của Nghị định số 71/2016, gồm: Các quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính quy định tại Chương II Nghị định số 71/2016.
Các quy định về xử lý trách nhiệm trong THAHC quy định tại Chương III Nghị định số 71/2016.
Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định tại Nghị định số 71/2016 (Điều 9 đối với nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về THAHC; Điều 33 đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Điều 34 đối với UBND các cấp và Điều 35 đối với các cơ quan thi hành án dân sự).
Các vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện, quy định tại Nghị định số 71/2016 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, Kế hoạch còn nêu rõ, đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao phối hợp đánh giá về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong THAHC theo Luật TTHC năm 2015 sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016; đồng thời, đánh giá các quy định của Nghị định số 71/2016 và những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định của Nghị định số 71/2016.
Bộ Tư pháp yêu cầu, số liệu báo cáo phục vụ sơ kết được tính từ ngày 1/7/2016 (ngày Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016 có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 30/6/2021. Báo cáo sơ kết của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thông tin, báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề nghị gửi về Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) trước ngày 15/7/2021.