VKSND Tối cao quy định về 6 trường hợp được xem xét lại quyết định khiếu nại đã có hiệu lực

Theo VKSND Tối cao, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết, thì được xác định là đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Từ năm 2023, VKSND Tối cao đã có hướng dẫn để VKSND các cấp kiểm tra, xử lý đối với các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật, tháng 8-2023 VKSND Tối cao đã ban hành hướng dẫn để VKSND các cấp thực hiện thống nhất đối với công tác này.

Cụ thể là các trường hợp khiếu nại trong hoạt động tư pháp có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKS, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết, thì được xác định là đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

 Sau khi VKSND Tối cao yêu cầu, VKSND tỉnh Vĩnh Long đã hủy các quyết định giải quyết khiếu nại trong vụ tai nạn giao thông ở huyện Trà Ôn tháng 9-2024. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp

Sau khi VKSND Tối cao yêu cầu, VKSND tỉnh Vĩnh Long đã hủy các quyết định giải quyết khiếu nại trong vụ tai nạn giao thông ở huyện Trà Ôn tháng 9-2024. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp

VKSND Tối cao cũng nêu rõ, đơn đề nghị kiểm tra lại chỉ được xem xét kiểm tra khi có ít nhất 1 trong 6 điều kiện:

- Đơn bức xúc, kéo dài: là những vụ việc công dân liên tục có đơn khiếu nại hoặc thường xuyên đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan nhà nước từ Trung ương hoặc địa phương để khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKSND cấp dưới hoặc VKSND Tối cao trong một khoảng thời gian dài nếu không xem xét giải quyết có thể sẽ dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội.

- Đơn về vụ việc có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm: là những vụ việc thông qua nghiên cứu đơn của công dân, quyết định giải khiếu nại của VKSND cấp dưới phát hiện trong quá trình giải quyết vụ việc, giải quyết khiếu nại có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm nhưng không được VKS có thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.

- Đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: là đơn do các đồng chí lãnh đạo tại Trung ương chuyển đến như: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao...

- Đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm: là những vụ việc được Cơ quan báo chí phản ánh qua bài viết, đưa tin đăng lên các trang mạng xã hội, truyền thông và được dư luận quan tâm, chia sẻ rộng rãi.

- Đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương: là những vụ việc trong quá trình giải quyết có liên quan đến nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương xét thấy cần thiết phải kiểm tra xem xét thận trọng để đảm bảo giải quyết đúng pháp luật, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại Trung ương hoặc địa phương.

- Đơn có tình tiết mới làm thay đổi kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại nhưng VKS đã ban hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật không xem xét: là những vụ việc trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc, kết quả giải quyết nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết không biết hoặc không xem xét.

Trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật phát hiện có vi phạm nghiêm trọng, vụ việc có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm thì ngoài ban hành kết luận kiểm tra, VKS có thẩm quyền kiểm tra còn phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời, ban hành quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tố tụng để giải quyết lại vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp qua kiểm tra lại phát hiện thấy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa áp dụng hết các biện pháp mà pháp luật quy định nhằm xác định bản chất vụ việc đã ban hành quyết định tố tụng (Quyết định không khởi tố vụ án hình sự...), quyết định giải quyết khiếu nại thiếu căn cứ hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản về nội dung giải quyết khiếu nại trước đó thì ngoài ban hành kết luận kiểm tra, VKS có thẩm quyền kiểm tra phải hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại; đồng thời ban hành quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tố tụng để giải quyết lại vụ việc theo quy định của pháp luật.

Vụ nữ sinh tử vong do tai nạn ở Vĩnh Long: VKSND tỉnh hủy quyết định không khởi tố vụ án

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long là do Nguyễn Văn Bảo Trung điều khiển xe ô tô tải va chạm giao thông với bé Nguyễn Ngọc Bảo Trân khiến bé Trân tử vong, VKSND Tối cao đã kiểm tra lại Quyết định giải quyết khiếu nại số 55/QĐ-VKS ngày 14-3-2025 đã có hiệu lực pháp luật của VKSND tỉnh Vĩnh Long.

Qua kiểm tra, VKSND Tối cao nhận thấy việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 73/QĐ-ĐTTH ngày 23-1-2025 với lý do “không có sự việc phạm tội”; Viện trưởng VKSND huyện Trà Ôn ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-VKS ngày 10-2-2025 và Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 55/QĐ-VKS ngày 14-3-2025 bác khiếu nại của ông Nguyễn Vĩnh Phúc (cha bé Trân) là chưa đảm bảo căn cứ theo quy định của pháp luật.

Từ đó, VKSND Tối cao hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND huyện Trà Ôn và VKSND tỉnh Vĩnh Long; đồng thời yêu cầu VKSND tỉnh Vĩnh Long hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vksnd-toi-cao-quy-dinh-ve-6-truong-hop-duoc-xem-xet-lai-quyet-dinh-khieu-nai-da-co-hieu-luc-post847948.html