VKSND Tối cao rút kinh nghiệm vụ án bỏ lọt tội phạm
Bị can thực hiện 2 hành vi phạm tội nhưng cáo trạng ban đầu của VKSND tỉnh Bình Dương truy tố chỉ một tội tham ô tài sản với số tiền 1,75 tỉ đồng là chưa chính xác nên cần rút kinh nghiệm.
Vừa qua, VKSND Tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tại tỉnh Bình Dương.
Theo hồ sơ, Công ty TNHH TM-DV Sơn Nam (Công ty Sơn Nam) là doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá trong nước. Ông Trịnh Hải Sơn là giám đốc, đại diện theo pháp luật, bà Phan Thị Kim Huệ (vợ ông Sơn) là người quản lý tiền mặt của công ty.
Cửa hàng trưởng chiếm đoạt tiền
Tháng 9-2021, bà Đỗ Thị Cương được phân công làm cửa hàng trưởng, đứng tên pháp lý tại điểm kinh doanh số 1 của Công ty Sơn Nam, có trách nhiệm quản lý tài sản, hàng hóa, thu tiền bán hàng, thay mặt công ty thanh toán tiền cho khách hàng. Việc ứng tiền, thanh toán tiền của Công ty Sơn Nam không thực hiện theo nguyên tắc kế toán mà giao cho bà Cương trực tiếp báo cáo ông Sơn về các khoản tiền cần thanh toán và liên hệ với bà Huệ để nhận tiền, thanh toán tiền mua hàng.
Ngày 1-8-2022, bà Cương đưa thông tin gian dối với bà Huệ về việc cần tiền thanh toán cho khách hàng, bà Huệ tin tưởng giao cho Cương 1,5 tỉ đồng, bà Cương chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Cùng ngày, bà Cương còn lấy 250 triệu đồng tiền bán hàng tại điểm kinh doanh do Cương trực tiếp quản lý để sử dụng cá nhân.
Ngày 5-2-2023, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Cương về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 7-7-2023, có quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với bà Cương về tội tham ô tài sản.
Sau đó, VKSND tỉnh Bình Dương ban hành cáo trạng truy tố bà Cương về tội tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt là 1,75 tỉ đồng.
Qua công tác kiểm tra cáo trạng, VKSND Tối cao (Vụ 5) thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nên có văn bản đề nghị VKSND tỉnh Bình Dương kiểm tra, đánh giá lại tài liệu, chứng cứ, bảo đảm việc truy tố có căn cứ.
Sau đó, VKSND tỉnh Bình Dương đã rút hồ sơ vụ án, trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung.
Quá trình điều tra bổ sung, CQĐT đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với bà Cương về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 5-3-2024, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Dương có bản kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Cương về 2 tội tham ô tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, VKSND tỉnh Bình Dương ban hành cáo trạng truy tố Cương về 2 tội tham ô tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xử sơ thẩm tháng 7-2024, TAND tỉnh Bình xử phạt Cương 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 11 năm tù.
Nội dung cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Tối cao, trong vụ án này, bị can Cương thực hiện 2 hành vi phạm tội. Cụ thể, với mục đích chiếm đoạt tiền từ trước, Cương đưa thông tin gian dối để bà Huệ tin tưởng giao 1,5 tỉ đồng chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của bị can đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không phải hành vi tham ô tài sản.
Tiếp đến, Cương lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chiếm đoạt 250 triệu đồng tiền bán hàng tại điểm kinh doanh do Cương trực tiếp quản lý, nên phạm tội tham ô tài sản.
Cáo trạng ban đầu của VKSND tỉnh Bình Dương truy tố Cương về tội tham ô tài sản với số tiền 1,75 tỉ đồng theo khoản 4 Điều 353 BLHS là chưa chính xác.
Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT và VKSND tỉnh Bình Dương chưa đánh giá đúng từng hành vi phạm tội của bị can, chưa bám sát các cấu thành tội phạm, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Sau khi có văn bản yêu cầu của VKSND Tối cao (Vụ 5), VKSND tỉnh Bình Dương đã trả hồ sơ cho CQĐT đề ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bổ sung quyết định khởi tố bị can, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vksnd-toi-cao-rut-kinh-nghiem-vu-an-bo-lot-toi-pham-post806405.html