VKSND tối cao trả lời kiến nghị của cử tri về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
VKSND tối cao vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh này gửi đến sau kỳ họp Thứ 9, Quốc hội khóa XIV đề cập đến nội dung về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh biết và trả lời cử tri.
VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020.
Về nội dung kiến nghị: Cử tri đề nghị các cơ quan, đơn vị nơi có những cán bộ gây ra oan sai cần phải có biện pháp bắt buộc những cán bộ, nhân viên gây ra oan sai ngoài việc phải bồi thường theo quy định, bị xử lý kỷ luật đúng mực, còn phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với dân, tránh tình trạng những buổi lễ “xin lỗi” chỉ là hình thức và không tạo niềm tin cho người dân vào công lý.
Về nội dung này, theo VKSND tối cao, pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định cụ thể cả về hình thức và nội dung để tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Nghị định số 68/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, việc trình bày văn bản xin lỗi, cải chính công khai phải do đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trình bày, bởi việc phục hồi danh dự cho người bị oan được xác định là “trách nhiệm công vụ” không phải là “quan hệ dân sự” do đó phải là người đại diện cho cơ quan làm oan đứng ra đại diện xin lỗi người bị oan.
Bên cạnh đó, Điều 23 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định về thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai. Tại điều luật không quy định cán bộ, người thi hành công vụ gây thiệt hại phải có mặt ở buổi xin lỗi, cũng không quy định người thi hành công vụ gây thiệt hại không được có mặt ở buổi xin lỗi. Bởi vậy trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan có trách nhiệm bồi thường cân nhắc nếu xét thấy việc người thi hành công vụ gây thiệt hại có mặt ở buổi lễ sẽ tốt hơn thì cũng có thể để họ có mặt tại buổi xin lỗi.
Việc Luật không quy định người thi hành công vụ gây thiệt hại phải có mặt ở buổi xin lỗi vì có rất nhiều vụ án oan sai gây bức xúc lớn cho gia đình và người dân, nếu người thi hành công vụ gây thiệt hại có mặt tại buổi xin lỗi sẽ khó để đảm bảo vấn đề an ninh, trật tự tại buổi lễ, khiến buổi lễ mất tính trang trọng, ý nghĩa.
Hơn nữa, người thi hành công vụ khi tham gia quá trình tố tụng là thực hiện công vụ Nhà nước giao, đó là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của cá nhân; bởi vậy trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải đứng ra xin lỗi. Thực tế để xác định oan sai phải mất rất nhiều thời gian, những người trực tiếp gây oan sai có thể đã chuyển công tác khác, đã nghỉ hưu, thậm chí không còn, việc yêu cầu họ đến tham gia buổi xin lỗi là không khả thi, không cần thiết phải quy định vào luật.
Trước các buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai, VKSND giải quyết bồi thường đều xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức phục hồi danh dự, việc phục hồi danh dự luôn thể hiện rất rõ nét yếu tố “văn minh pháp lý” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không để việc phục hồi danh dự diễn ra sơ sài, hình thức; buổi lễ luôn đảm bảo đúng, đủ thành phần tham dự, thời gian địa điểm rõ ràng, người được phục hồi danh dự có đủ thời gian trình bày ý kiến và nguyện vọng đối với Nhà nước và VKSND giải quyết bồi thường.