VKSND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chuyên đề giải quyết án kinh tế và tham nhũng, chức vụ
Vừa qua, VKSND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề 'Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án, vụ việc về kinh tế và tham nhũng, chức vụ'.
Hội nghị do Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và tham nhũng, chức vụ (Phòng 3) - VKSND thành phố tham mưu tổ chức, với hình thức trực tiếp tại trụ sở VKSND TP Hồ Chí Minh và kết nối trực tuyến đến 22 điểm cầu VKSND quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Dự và chủ trì hội nghị tại Hội trường VKSND thành phố có đồng chí Nguyễn Đức Thái, Thành ủy viên, Viện trưởng VKSND thành phố. Cùng tham dự có các đồng chí Phó Viện trưởng và đại diện Ban Nội chính Thành ủy, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Phòng An ninh Điều tra - Công an TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra có sự tham dự của Viện trưởng VKSND quận, huyện và thành phố Thủ Đức; lãnh đạo, Kiểm sát viên các Phòng 1, 2, 3; đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng tổng hợp VKSND thành phố; Ban chỉ huy các Đội điều tra trực thuộc Phòng PC01, PC02, PC03, PA09 Công an TP Hồ Chí Minh.
Tham dự tại điểm cầu VKSND quận, huyện và thành phố Thủ Đức có các đồng chí là Phó Viện trưởng phụ trách hình sự, Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự và cán bộ tổng hợp; đại diện Lãnh đạo Cơ quan điều tra, Ban Chỉ huy các Đội điều tra; đại diện lãnh đạo Tòa án thuộc 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đạt được kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
VKSND các cấp, trong đó có Viện kiểm sát hai cấp thành phố đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chức năng nhằm tăng cường phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; chủ động áp dụng nhiều biện pháp và đạt nhiều kết quả trong thu hồi tài sản tham nhũng; thường xuyên tổng kết thực tiễn để kịp thời kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, chức vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác.
Do vậy, chuyên đề ngoài phản ánh thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, chức vụ đã đi sâu vào những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế và tham nhũng, chức vụ, trên cơ sở đó nêu ra các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế và tham nhũng, chức vụ.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị phát biểu tham luận, tập trung vào những khó khăn, vướng mắc; những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực kinh tế và tham nhũng, chức vụ. Qua đó, đề ra được nhiều giải phải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc, vụ án.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Thái, Thành ủy viên, Viện trưởng VKSND thành phố nhấn mạnh, trong thời gian qua các cơ quan tố tụng hai cấp thành phố đã xử lý nhiều vụ án, vụ việc về kinh tế và tham nhũng, chức vụ, được dư luận đồng tình, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác này còn có một số tồn tại, hạn chế như: tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc còn chậm; chất lượng giải quyết một số vụ án có mặt còn hạn chế, dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc có trường hợp Tòa án xét xử khác quan điểm truy tố của Viện kiểm sát về tội danh và hậu quả thiệt hại; việc làm rõ bản chất của tội phạm, nhất là yếu tố vụ lợi chưa hiệu quả; công tác rà soát, giải quyết các vụ án, vụ việc về kinh tế và tham nhũng, chức vụ đang tạm đình chỉ chưa được chú trọng; hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có phần khách quan do số lượng công việc nhiều so với lực lượng hiện có; và việc xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều khó khăn, vướng mắc hơn các loại án khác, nhất là việc điều tra, thu thập chứng cứ và công tác giám định, định giá tài sản, do hành vi phạm tội xảy ra trong thời gian dài, qua nhiều thời kỳ, liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực. Nhưng cũng có cả nguyên nhân chủ quan do một số Kiểm sát viên, công chức nghiệp vụ có hạn chế về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm chưa cao, nên chưa thực hiện tốt các biện pháp theo quy định của pháp luật, của ngành trong việc tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra.
Do đó, để nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án, vụ việc về kinh tế và tham nhũng, chức vụ, Thủ trưởng các đơn vị phải tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như chú trọng phối hợp với Cơ quan điều tra rà soát các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ để phục hồi giải quyết theo quy định; đề cao vai trò và trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị, trong việc phân công, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên, gắn với công tác cán bộ và nâng cao vai trò và trách nhiệm của Kiểm sát viên, công chức nghiệp vụ là quyết định trong việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án, chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên.