VN-Index áp sát đỉnh cũ, tín hiệu quá mua cảnh báo nhịp điều chỉnh kỹ thuật

Thị trường chứng khoán khép lại phiên 15/5 với sắc xanh lan tỏa, thanh khoản bùng nổ và khối ngoại mua ròng gần 1.000 tỷ đồng, nhưng đà tăng đang tiến sát vùng kháng cự mạnh khiến rủi ro điều chỉnh và áp lực chốt lời dần hiện hữu...

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index tăng nhẹ 3,47 điểm, tương đương 0,26%, lên mức 1.313,20 điểm. Đồng hành với đà tăng của chỉ số chính, VN30 cũng ghi nhận mức tăng 3,62 điểm, đóng cửa tại 1.401,49 điểm, thể hiện sự lan tỏa khá đồng đều ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn tích cực, thể hiện qua số lượng mã tăng giá (167 mã) có phần lấn át so với số mã giảm (152 mã), cùng với 50 mã giữ giá tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu VPL gây chú ý khi tăng vọt 6,89%, trở thành lực đẩy lớn nhất cho chỉ số với đóng góp 2,79 điểm. LPB và ACB cũng lần lượt tăng 3,78% và 3,02%, đóng góp đáng kể với 0,97 và 0,80 điểm vào đà tăng của thị trường.

Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh từ VHM (-3,97%), FPT (-1,03%) và BCM (-2,40%) đã phần nào kìm hãm đà tăng, khiến chỉ số mất đi tổng cộng khoảng 2,98 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 24.461 tỷ đồng – tăng đáng kể so với phiên trước và cao hơn 31% so với mức trung bình 20 phiên gần đây (18.670 tỷ đồng). Đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền vẫn đang vận động tích cực, với tâm điểm hướng vào các nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Đáng chú ý, khối ngoại có phiên giao dịch khá sôi động khi quay lại mua ròng mạnh mẽ với tổng giá trị lên đến 919 tỷ đồng. Trong đó, MBB, SHB và FPT là những cổ phiếu được khối này giải ngân mạnh nhất, lần lượt với giá trị 554, 293 và 158 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dòng tiền ngoại cũng ghi nhận áp lực bán ròng tại một số cổ phiếu lớn như VHM (-633 tỷ đồng), VRE (-237 tỷ đồng) và GEX (-99 tỷ đồng). Dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng với tổng giá trị lũy kế đạt 34.376 tỷ đồng.

Về nhóm ngành, cổ phiếu thuộc lĩnh vực đầu tư công tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với mức tăng trung bình đạt 2,26%. Đây là hệ quả từ kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và thực phẩm cũng ghi nhận hiệu suất tích cực lần lượt là 1,05% và 1,07%, nhờ lực cầu ổn định cùng với các yếu tố hỗ trợ nội tại của từng doanh nghiệp.

Một số mã ngân hàng nổi bật hút dòng tiền mạnh có thể kể đến như MSB tăng 3,90%, ACB tăng 3,02%, LPB tăng 3,78% và SHB bứt phá tới 5,38%.

 Diễn biến thị trường trong thời gian qua

Diễn biến thị trường trong thời gian qua

Thị trường có rủi ro đảo chiều hoặc xuất hiện áp lực chốt lãi

Chứng khoán TPS

Thị trường hôm nay tiếp đà tăng điểm theo quán tính, trùng khớp với dự báo của chúng tôi. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã đi vào vùng kháng cự mạnh kể từ mức 1,313 điểm. Trong trường hợp động lực từ phe mua tiếp tục được duy trì, đà tăng của chỉ số có thể tiếp tục được nối dài lên 1,340 hoặc 1,356 điểm.

Các chỉ báo động lượng đang tiến vào vùng quá mua cho thấy có rủi ro đảo chiều hoặc xuất hiện áp lực chốt lãi, do đó nhà đầu tư nên cẩn trọng quan sát, hiện thực hóa lợi nhuận từng phần và hạn chế giải ngân mới với tỷ trọng lớn. Trong trường hợp khác, nếu chỉ số neo ở vùng kháng cự trong thời gian dài, thị trường có thể xuất hiện sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, do đó việc chọn lọc kỹ cổ phiếu trước khi giải ngân cũng cần được lưu ý.

Thị trường đang giao dịch tại vùng kháng cự mạnh

Chứng khoán BIDV

Thị trường ngày 15/4 chứng khoán chứng kiến sự giằng co tại ngày đáo hạn phái sinh. Chỉ số VN-Index biến động trong biên độ hẹp 14.55 điểm trước khi đóng cửa tại mức 1313.20, tăng nhẹ +3.47 điểm so với kết phiên trước. Thanh khoản tiếp tục duy trì với trên 26 nghìn tỷ đồng.

Sự giằng co thể hiện rõ ràng, khi có đến 7/18 nhóm ngành giảm điểm, đà giảm được dẫn dắt bởi nhóm Bất động sản, Truyền thông. Khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với tổng giá trị mua ròng gần 900 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Chỉ số đang giao dịch tại vùng kháng cự mạnh, gặp áp lực điều chỉnh giá, các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn cần thận trọng tại khu vực hiện tại.

VN-Index hướng đến vùng đỉnh cũ 1.320 – 1.340 điểm

Chứng khoán SSI

Tâm lý thận trọng trên mốc 1.300 khiến áp lực bán giá thấp gia tăng, tuy nhiên lực cầu cũng được kích hoạt tương ứng giúp thị trường duy trì được phiên tăng điểm, tích cực hơn diễn biến chung của các thị trường chứng khoán Châu Á trong phiên hôm nay.

VN-Index duy trì xu hướng tăng ngắn hạn với mục tiêu hướng đến vùng đỉnh cũ 1.320 – 1.340. Áp lực chốt lời có thể tăng lên khi chỉ số tiệm cận vùng cản mạnh, đặc biệt sau khi đã trải qua nhịp tăng dài từ đáy tháng 4. Trong kịch bản điều chỉnh kỹ thuật, vùng hỗ trợ gần 1.300 – 1.310 kỳ vọng giúp chỉ số giữ vững cân bằng.

Thị trường có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào

Chứng khoán Asean

Thị trường hôm nay ghi nhận phiên tăng điểm khá thứ 4 liên tiếp với thanh khoản ở mức cao và giá đóng cửa nằm trên ngưỡng 1.310 điểm, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế và xu hướng tăng tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang chuẩn bị tiến vào vùng quá mua và có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào.

Ở kịch bản trung lập, VN-Index nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian để tích lũy trở lại, trước khi có thể tiếp tục xu hướng tăng. Do đó, chúng tôi cho rằng hành động tốt nhất lúc này là:

Nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân dần ở những phiên rung lắc, tập trung vào các mã cổ phiếu không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế quan, hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh tăng trưởng, định giá hấp dẫn và cổ tức tiền mặt cao, ưu tiên nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán, Đầu tư công và Bán lẻ. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi, theo dõi chặt chẽ tình hình thuế quan, và xem xét cơ cấu cổ phiếu yếu trong danh mục.

Hiện tại không phải vùng giá hấp dẫn để giải ngân thêm

Chứng khoán SHS

Xu hướng ngắn hạn của VN-Index đang tăng trưởng trở lại trên vùng hỗ trợ gần nhất quanh mốc tâm lý 1.300 điểm. Sau khi vượt qua kháng cự 1.300 điểm, VN-Index được kỳ vọng sẽ kiểm tra lại vùng giá cao nhất tháng 3/2025, tương ứng khoảng 1.320 - 1.340 điểm. Tâm lý và xu hướng của thị trường tiếp tục cải thiện dưới ảnh hưởng tích cực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30.

Chỉ số VN30, dưới ảnh hưởng tích cực từ khối ngoại, đang vượt lên vùng giá cao nhất tháng 3/2025 quanh mức 1.400 điểm. Trong kịch bản tích cực, nếu khối ngoại duy trì mua ròng mạnh, VN30 có thể mở rộng đà tăng lên vùng giá 1.450 điểm.

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn phục hồi đối với rất nhiều mã cổ phiếu và nhóm ngành.
Sau giai đoạn bán ròng đột biến, khối ngoại hiện đang có xu hướng mua ròng trở lại, một diễn biến tích cực, hỗ trợ cho thị trường cũng như là động lực chính giúp VN30 tăng điểm, hướng tới vùng giá 1.400 điểm.

Trong ngắn hạn, nhiều mã cổ phiếu vẫn chưa phục hồi về vùng giá trước phiên giảm điểm mạnh, tạo ra nhiều cơ hội ngắn hạn. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã phục hồi mạnh từ vùng giá 1.080 - 1.130 điểm lên lại vùng đỉnh cũ 1.320 - 1.340 điểm. Hiện tại, chúng tôi cho rằng đây không phải là vùng giá hấp dẫn để giải ngân thêm.

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư nên hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, thuộc các doanh nghiệp đầu ngành trong những lĩnh vực chiến lược, có tốc độ tăng trưởng vượt trội theo đà phát triển của nền kinh tế.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vn-index-ap-sat-dinh-cu-tin-hieu-qua-mua-canh-bao-nhip-dieu-chinh-ky-thuat-post560086.html