VN-Index bốc hơi hơn 20 điểm, cổ phiếu phân bón nằm sàn la liệt
Phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đóng cửa mất hơn 20 điểm. Cổ phiếu phân bón giảm sàn chiếm tới 20% tổng số mã giảm sàn trên HoSE.
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần giao dịch khá tiêu cực khi chỉ số lao dốc nhanh ngay thời điểm mở cửa. VN-Index sau đó tiếp đà lao dốc và có thời điểm bị thổi bay hơn 27 điểm để mất mốc 1.440 điểm.
Tuy nhiên những nổ lực níu kéo chỉ số đã giúp đồ thị chứng khoán có nhịp hồi phục đáng kể. Dù vậy VN-Index kết phiên vẫn bốc hơi 20,29 điểm (-1,38%) về 1.446,25 điểm.
Trên các sàn chứng khoán tại Hà Nội, bộ chỉ số HNX-Index cũng rơi 5,63 điểm (-1,27%) xuống 436,57 điểm. UPCoM-Index mất 0,28% về 115,05 điểm.
Sắc đỏ chiếm áp đảo trên toàn thị trường bởi áp lực bán trên diện rộng. Tổng số mã giảm giá là 758, cao hơn gấp đôi so với 314 mã tăng giá.
PVC đã có 2 phiên liên tiếp giảm sàn liên tiếp, thị giá bốc hơi hơn 18% qua 2 ngày. Còn trên UPCoM, PXT lại lao dốc về dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Các mã xăng dầu, dầu khí khác cũng đồng loạt giảm mạnh: OIL, BSR, GAS, PVS, PET, PVD, PLX, POW… Với vốn hóa lớn, sức ảnh hưởng của GAS, PLX tiêu cực rõ rệt lên chỉ số khiến VN-Index mất hơn 4 điểm. Trong đó, GAS là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đến VN-Index trong phiên hôm nay.
Trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất nhiều điểm nhất, còn có HPG, MSN, GVR, VIC, BID, VHM, VPB, DPM. Tiếp đà điều chỉnh, phiên giảm mạnh hôm nay của cổ phiếu thép gần như “cuốn bay” toàn bộ thành quả 2 tích lũy 2 tuần qua. HPG đóng cửa ở mức 45.800 đồng/cổ phiếu, HSG là 38.000 đồng/cổ phiếu, giảm giá trên dưới 4% trong phiên hôm nay. Hàng loạt mã thép TLH, TVN, BVG, POM, NSH, VGS đều giảm giá.
Đà giảm của nhóm phân bón còn “đáng sợ” hơn, cổ phiếu nằm sàn la liệt. BFC, DPM, DCM, SFG giảm sàn. Số cổ phiếu phân bón giảm sàn hôm nay chiếm tới 20% tổng số mã giảm sàn trên HoSE.
Cổ phiếu vận tải biển cũng bị xả mạnh: VOS, GMD giảm sàn. VSC, GSP, DXP, MVN, HAH… giảm 4-6%.
Các nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản cũng chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, bất ngờ trong nhóm ngân hàng, KLB tăng kịch trần 15% trong phiên thị trường rực lửa. Tuần trước, KLB cũng là mã ngân hàng hiếm hoi “ngược chiều” tăng giá 9% trong tuần.
KLB mới đây đã thông báo chốt danh sách cổ đông ngày 29/3 để tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên trong tháng 4/2022. Đáng chú ý, thay vì tổ chức tại Kiên Giang như mọi năm, cuộc họp cổ đông năm nay của ngân hàng dự kiến tổ chức tại 16 Phạm Hùng, Hà Nội. Đây đồng thời là trụ sở của Sunshine Group. Trước đó, cơ cấu cổ đông của KLB đã có thay đổi lớn trong năm qua với sự tham gia của Sunshine Group.