VN-Index cao nhất 19 tháng, bộ đôi MWG và MSN 'tỏa sáng'
Bộ đôi cổ phiếu bán lẻ hôm nay thu hút dòng tiền và cũng là động lực để VN-Index tiếp tục bứt phá, vươn lên sát mốc 1.270 điểm.
Phiên 5/3, VN-Index diễn biến giằng co trong hầu hết thời gian rồi bất ngờ nhận được lực cầu mạnh vào cuối phiên. Chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mốc 1.269,98 điểm, tăng 8,6 điểm so với kết phiên hôm qua. Đây là vùng giá cao nhất của VN-Index kể từ tháng 8/2022, tương ứng mức đỉnh 19 tháng.
HNX diễn biến ngược chiều, giảm nhẹ 0,03 điểm, còn UPCoM cũng tăng 0,65 điểm. Thanh khoản vẫn neo ở mức cao với hơn 24.000 tỷ đồng được giao dịch trên kênh khớp lệnh.
Khối ngoại sau một phiên mua ròng lại trở lại bán ròng với giá trị hơn 100 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số hơn 4.600 tỷ đồng giao dịch). Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất 163 tỷ đồng, kế đến là SSI 136 tỷ đồng, VHM 125 tỷ đồng, TDM 60 tỷ đồng; VCB, PVD, TPB, VNM, CTG 37-42 tỷ đồng...
Ngược lại, sau thời gian bị bán ròng, MWG tạo sức hút trở lại với khối ngoại với giá trị mua ròng 211 tỷ đồng. MSN cũng được mua ròng 115 tỷ đồng. Danh sách tiếp theo là STB 99 tỷ đồng, DGC 48 tỷ đồng, CTD 48 tỷ đồng, HPG 39 tỷ đồng, KDH 30 tỷ đồng, HDB 29 tỷ đồng, KBC 27 tỷ đồng...
VN30 bứt phá hơn với mức tăng gần 12 điểm, lên mốc 1.280,17 điểm, với động lực dẫn dắt chính từ hai mã bán lẻ MSN và MWG. MSN của Masan tăng trần, khớp lệnh gần 13 triệu đơn vị - cao hơn mức thanh khoản trung bình. Đóng cửa ở mốc 75.700 đồng/cp, MSN đã trở lại vùng giá cao nhất kể từ tháng 9/2023. Từ đầu tháng 2/2024 đến nay, mã âm thầm đi lên và đã đạt hiệu suất hơn 15%.
MWG của Thế giới Di động tăng 5,5% lên mức giá 50.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 10/2023. Chỉ từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mã cũng đã tăng gần 15%.
Hai cổ phiếu bán lẻ đầu ngành được kỳ vọng cùng sức cầu tiêu dùng phục hồi. Cơ sở đến từ sự phục hồi của khu vực sản xuất, lãi suất thấp, lạm phát trong nước trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phía cầu của Chính phủ gồm giảm thuế VAT được duy trì, cải cách tiền lương toàn diện trong năm 2024 có thể thúc đẩy tiêu dùng tích cực hơn...
Báo cáo chiến lược thị trường vốn mới đây của J.P Morgan đã nêu ra các lĩnh vực đầu tư ưa thích của tổ chức này, với sự xuất hiện của cổ phiếu MSN trong nhóm các đại diện hàng đầu, bên cạnh các mã TCB, ACB, FPT.
Với sự dẫn dắt của MSN, MWG, các cổ phiếu bán lẻ khác cũng diễn biến tích cực, với PNJ +1,3%, FRT +2,3%, DGW +0,3%...
Xét về nhóm ngành thì nhóm chứng khoán có tác động tích cực nhất. Các mã lớn như SSI, VND, SHS, HCM, VCI, VIX đều tăng giá. Một số mã nhỏ bứt phá hơn, như CTS tăng trần, HAC tăng hơn 13%, FTS tăng 6,7%, AGR tăng 3,9%, MBS +3,2%... Chiều giảm có ABW, AAS, APS, DSC, HBS, TVB, VFS.
Nhóm ngân hàng cũng chỉ có số ít mã giảm giá, gồm BVB, PGB, TPB, VCB, với mức giảm nhẹ. Nhiều mã đứng tham chiếu như SHB, SSB, OCB, EIB, ABB... Chiều tăng đáng kể có LPB và SGB tăng hơn 2%, BID, CTG và MBB tăng hơn 1%.
Nhóm bất động sản diễn biến tiêu cực hơn, với các mã lớn VHM, VRE, DIG, PDR, NVL, CEO, KBC, NLG, DXG... giảm giá trên dưới 1%. Chiều tăng có VIC, KDH, BCM, SJS, REE, TCH, HQC... nhưng mức tăng cũng không đáng kể.
“Người anh em” của bất động sản là xây dựng lại không đồng pha. Một số mã bứt phá là HTN và NBB tăng trần, FCN tăng 5,5%. CII, PC1, VCG, HHV, CTD đều tăng giá.
Tại nhóm thép, HPG vẫn duy trì đà đi lên tốt, kết phiên ở mức giá 31.150 đồng/cp (tăng 1,1%). NKG và HSG cũng tăng nhẹ.