VN-Index giảm gần 10 điểm, chiến lược đầu tư tuần tới ra sao?
Ngày 19/7, VN-Index sau khi không thể vượt qua ngưỡng 1.280 điểm đã bị lực bán đẩy xuống và đóng cửa tại mốc 1.264,78 điểm, giảm gần 10 điểm so với phiên hôm trước.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 16/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành du lịch và giải trí, hóa chất dẫn đầu đà giảm. Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ có phiên giao dịch tích cực.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX.
Sau hai phiên đầu tuần với diễn biến đi ngang quanh mốc 1.280 điểm, thị trường trải qua các phiên tiếp theo rung lắc lùi về mốc 1.260-1.270 điểm.
Vào phiên ngày 17/7, nhóm ngân hàng với sự hồi phục mạnh mẽ giúp thị trường tăng điểm tốt, tuy nhiên áp lực điều chỉnh ở các nhóm ngành khác diễn ra bất ngờ khiến VN-Index trượt mạnh về sâu dưới tham chiếu. Các nỗ lực hồi phục sau đó dường như chưa đạt được kết quả khi vào phiên cuối tuần (19/7), thị trường tiếp tục chịu áp lực bán và điều chỉnh.
Cụ thể, VN-Index mở cửa phiên hôm nay trong sắc xanh nhờ quán tính hồi phục từ phiên hôm qua, tuy nhiên chỉ sau khoảng một tiếng giao dịch, chỉ số chung có tín hiệu hụt hơi và đảo chiều mất điểm.
Diễn biến điều chỉnh vẫn lan tỏa trên diện rộng ở hầu hết các nhóm ngành. Một số cổ phiếu blue-chips như MBB, ACB, LPB, MWG giữ được sắc xanh nhưng không đủ để nâng đỡ thị trường chung.
Thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy thiếu sự chủ động từ phía lực cầu trong khi áp lực bán đang chiếm ưu thế khiến chỉ số đi xuống.
Cuối phiên thị trường giằng co và chỉ số xuống thấp nhất gần 14 điểm so với tham chiếu.
Khối ngoại sau phiên mua ròng lại quay trở lại bán ròng với tổng giá trị ròng đạt 353 tỷ, tập trung bán FPT, VHM, TCB.,
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.264.78 điểm, giảm 9,66 điểm, tương đương 0,76%. Kết tuần, VN-Index giảm 15,97 điểm (-1,25%) so với tuần trước.
Phân tích kĩ thuật, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến đỏ giảm điểm thể hiện sự chần chừ và thận trọng của thị trường chung khi xu hướng chưa có tín hiệu xác nhận rõ ràng.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo CMF hướng xuống cho thấy thanh khoản mua chủ động vẫn chưa tham gia tích cực và khiến cho thị trường vẫn xuất hiện những nhịp tăng giảm đan xen với biên độ sideway rộng. Tuy nhiên, chỉ báo ADX vẫn đang ở mức thấp nên xác suất VN-Index giảm mạnh là khó xảy ra.
Với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm theo quán tính trong các phiên đầu tuần tới rồi tích lũy trở lại, xu hướng chính của thị trường vẫn được nhận định là sẽ hướng lên khu vực 1.300 - 1.310 điểm.
Ở khung đồ thị giờ, các chỉ báo RSI, MACD, và CMF đều hướng xuống vùng thấp củng cố cho nhận định về dòng tiền nêu trên và áp lực bán cũng tiệm cận vùng quá bán, tuy nhiên nếu tâm lý chung vẫn ở mức thận trọng cao thì khả năng hồi phục ngay khó có thể diến ra nhanh chóng và thay vào đó là những phiên rung lắc tích lũy quanh khu vực 1.250 - 1.260 điểm.
Một số nhận định khác cho biết, VN-Index giảm điểm với volume gia tăng thể hiện bên bán đã chiếm ưu thế trên thị trường. Các đường trung bình di động ngắn hạn đều hướng xuống và nằm trên điểm số cho thấy xu hướng giảm có khả năng mạnh lên trong những phiên tới.