VN-Index khởi đầu tháng 9 không suôn sẻ, một số mã bất động sản vẫn hút tiền

Trái với kỳ vọng của nhà đầu tư, VN-Index khởi động tháng mới bằng một phiên giảm điểm, một phần do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên 4/9.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên 4/9.

Đóng cửa phiên ngày 4/9, chỉ số sàn HoSE giảm hơn 8 điểm, lùi về mốc 1.275,8 điểm. HNX-Index cùng giảm 1,5 điểm, còn UPCoM giảm 0,42 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 16.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 4.000 tỷ đồng và bán ròng 766 tỷ đồng trên sàn HoSE.

DGC bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 142 tỷ đồng. HPG và VPB cũng bị bán ròng hơn 100 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có FPT 80 tỷ đồng, MSN 70 tỷ đồng, HSG 52 tỷ đồng, VCI 41 tỷ đồng, HDB 37 tỷ đồng; SSI, VCB gần 30 tỷ đồng… Ngược lại, mã được mua ròng mạnh nhất là PDR với giá trị 49 tỷ đồng, kế đến là VNM 48 tỷ đồng, CTG 39 tỷ đồng; NLG, DXG 20 tỷ đồng…

Sau khi chạm đỉnh điểm bán ròng vào tháng 6, khối ngoại giảm đáng kể lực bán ròng trong tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên tổng kết tháng 8, khối ngoại vẫn bán ròng hơn 4.455 tỷ đồng trên HoSE, nâng mức bán ròng lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 lên hơn 65.795 tỷ đồng.

VN30 giảm mạnh hơn khi mất gần 14 điểm, lùi về mốc 1.317,71 điểm. Bộ đôi VHM và VRE cùng gồng gánh chỉ số khi mỗi mã tăng hơn 2% giá trị, tuy nhiên cũng không thắng nổi lực bán nhắm vào các bluechip khác. SSB giảm sâu nhất 3,7%, tiếp đó là PLX -3,3%, VPB -2,4%, HDB -2,2%, POW -1,9%, GVR -1,8%, MBB -1,8%, MSN -1,6%... Chiều tăng ngoài VHM và VRE còn có BID, CTG, GAS, VNM với mức tăng nhẹ.

Nhóm dịch vụ tài chính có tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết đều kết phiên trong sắc đỏ. Ngoài SSB, VPB, HDB, MBB như kể trên thì giảm đáng kể còn có KLB -3,1%, MSB -2,2%, NVB -2,1%, STB -1,5%, TCB -1,5%, TPB -1,4%... Chiều tăng chỉ có BID, CTG và EIB với mức tăng nhẹ. ABB, PGB, SGB, VBB đứng tham chiếu.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ có số ít mã giữ được sắc xanh, gồm CSI +3%, FTS +1%; BSI, BVS, CTS tăng nhẹ. SSI và VND cùng giảm 1,6%, VIX và VCI cùng giảm 1,2%, SHS giảm 2,4%, HCM giảm 0,5%... Một số mã nhỏ giảm 2-3% như APS, EVS, HBS, PSI, TCI, VDS, WSS…

Ngược lại, nhóm bất động sản giúp thị trường không bị giảm sâu hơn. Ngoài VHM và VRE thì PDR cũng tăng tốt, tỷ lệ +4%; NLG +2,4%, CEO +3,1%, DXG +1,2%; DIG, KOS, HDG, SJS, NTC, IJC, VCR, ITA, HDC… tăng nhẹ. VIC, KBC, IDC, VPI, SIP, SNZ, TCH, SZC, DXS, CRE… ở chiều giảm nhưng tỷ lệ điều chỉnh không lớn. BCM, NVL, SSH, KSF, BCR… đứng tham chiếu.

SGR của Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) sau giai đoạn tăng nóng lập đỉnh đã giảm sàn, lùi về mốc 39.100 đồng/cp. Chỉ trong nửa cuối tháng 8/2024, mã này tăng tới hơn 60%.

Các nhóm ngành khác đa phần đều diễn biến tiêu cực. Nhóm thép ghi nhận HPG -1%, HSG -2,4%, NKG -2,1%, TVN -2,1%, VGS -1,1%... Các mã giảm đáng kể tại các nhóm ngành khác là HAG -3,8%, BSR -2,5%, PVD -2,7%, TNG -2,6%, OIL -2,6%, PLX -3,3%...

Trong khi các yếu tố vĩ mô trong nước và tình hình doanh nghiệp vẫn tích cực, đà giảm của VN-Index hôm nay được lý giải do ảnh hưởng bởi chứng khoán thế giới đồng loạt đi xuống. Khép lại phiên 3/9, chỉ số Dow Jones giảm hơn 626 điểm (-1,51%) xuống mức 40.936 điểm; S&P 500 giảm 119 điểm (-2,12%) xuống 5.528 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 577 điểm (-3,26%) xuống 17.136 điểm.

Thị trường châu Á – Thái Bình Dương sáng nay cũng đồng loạt "đỏ lửa" khi Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,19%, dẫn đầu biên độ giảm trong khu vực. Trong khi đó, Topix cũng giảm 2,79%.

Kospi và Kosdaq của Hàn Quốc cũng giảm lần lượt 2,17% và gần 3%; S&P/ASX 200 của Australia giảm gần 1,7% chủ yếu do giá dầu suy yếu; CSI 300 của Trung Quốc giảm 0,47%.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-khoi-dau-thang-9-khong-suon-se-mot-so-ma-bat-dong-san-van-hut-tien-33043.html