VN-Index không giữ được mốc 1.200 điểm, dòng tiền lớn tiếp tục ập vào NVL

Tại vùng đỉnh 1.200 điểm, VN-Index chịu áp lực chốt lời lớn và đã phải 'đầu hàng' thoái lui. Một số cổ phiếu vẫn thu hút dòng tiền mua lớn, như NVL, DIG, DXG, BCG…

Nhóm bất động sản và xây dựng giao dịch sôi động nhất.

Nhóm bất động sản và xây dựng giao dịch sôi động nhất.

Kết phiên 27/7, chỉ số giảm 3,5 điểm về mốc 1.197,33 điểm. HNX giảm 0,5 điểm còn UPCoM tăng nhẹ. Thanh khoản tăng vọt lên 25.459 tỷ đồng, riêng kênh khớp lệnh chiếm hơn 24.000 tỷ đồng.

Khối ngoại giao dịch gần 2.700 tỷ đồng trên sàn HoSE, mua ròng 330 tỷ đồng. VNM bất ngờ được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất, với giá trị 182 tỷ đồng. VHM và HDB được mua ròng khoảng 70 tỷ đồng. KDH, HPG, MSN được mua ròng hơn 40 tỷ đồng. Tiếp theo là DXG, HSG, NLG…

Chiều ngược lại, hai cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất, CTG với 53 tỷ đồng và STB với 49 tỷ đồng. VIC, HCM, VHC, MWG, POW bị bán ròng trên 20 tỷ đồng.

VHM tạo gánh nặng lớn nhất cho chỉ số với mức giảm 2,5%. Các bluechip ngân hàng cũng đồng loạt giảm giá gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. CTG giảm 1,5%, BID giảm 1,4%, VCB giảm 0,7%, TPB giảm 1,3%, TCB giảm 1%...

Trong rổ VN30, chỉ còn số ít các mã giữ được sắc xanh, với MWG và NVL tăng mạnh nhất 3,8%.

MWG hôm nay giao dịch không hưởng quyền chốt danh sách trả cổ tức 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 5%. Thế giới Di động vừa công bố doanh thu 6 tháng đầu năm với mức giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên thông tin có vẻ không làm nhà đầu tư bận tâm bởi đã lường trước được khó khăn của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2023.

NVL tiến bước lên mức giá 17.850 đồng/cp, nhờ những lệnh mua lớn. Vào phiên ATC, có lệnh mua lên tới hơn 800.000 đơn vị. Trong phiên, rất nhiều lệnh đặt mua hàng chục nghìn đơn vị. Cả phiên, NVL khớp lệnh tới 71,1 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường và tiếp tục vào top những phiên thanh khoản lớn của cổ phiếu này.

Không chỉ NVL, nhiều mã bất động sản hôm nay cũng tăng tốt với thanh khoản đột phá. DIG tăng 2,2%, khớp lệnh 46,5 triệu đơn vị, DXG tăng trần, khớp lệnh 43,7 triệu đơn vị, BCG tăng 6,5%, khớp lệnh 40,4 triệu đơn vị, LDG tăng 6,8%, khớp lệnh 20,3 triệu đơn vị, KHG tăng 6,1%, khớp lệnh 19,9 triệu đơn vị, TCH tăng 4%, khớp lệnh 17,9 triệu đơn vị…

Với các mã còn lại trong nhóm bất động sản xây dựng, chiều tăng cũng áp đảo, với ITC, NHA, HPX, NBB, PHC… tăng trần, VCG tăng 4,8%, NLG, CII, PDR, HDG tăng hơn 2%...

Nhóm bất động sản – xây dựng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Các doanh nghiệp đã công bố như Phát Đạt, Nam Long, Năm Bảy Bảy đều ghi nhận khởi sắc.

Ngoài giao dịch sôi động ở một số mã bất động sản, dòng tiền mua còn tìm tới một số mã lớn thuộc các nhóm ngành khác như GEX của nhóm điện, VNM nhóm sản xuất, VHC nhóm thủy sản, HSG nhóm thép, VND, SSI, VIX nhóm chứng khoán.

FPT với chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp đã thiết lập mức đỉnh mới tại 83.700 đồng/cp, vượt đỉnh cũ vùng 81.x đồng hồi giữa tháng 4 năm ngoái.

Nếu tính từ ngưỡng 6.7x đồng hồi cuối tháng 7/2013, sau tròn 10 năm, cổ phiếu FPT đã tăng gần 12,5 lần giá trị; vốn hóa chính thức gia nhập nhóm 100.000 tỷ đồng (hiện đạt gần 107.000 tỷ đồng). Tài sản công ty cũng tăng 3,45 lần (từ mức 17.560 tỷ đồng).

FPT mới đây đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2023 với 12.484 tỷ đồng doanh thu và 1.856 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (mức lãi quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động), lần lượt tăng tăng 23,6% và 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-khong-giu-duoc-moc-1200-diem-dong-tien-lon-tiep-tuc-ap-vao-nvl-post24792.html