VN-Index lập đỉnh lịch sử
Thanh khoản xấp xỉ ngưỡng kỷ lục, VN-Index tăng +26,29 điểm, lên 1.557,42 - mức điểm cao nhất từ trước tới nay.
Ngày 28/7 không chỉ đánh dấu 25 năm kể từ phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn ghi nhận những kỷ lục mới được thiết lập. Dòng tiền lan tỏa mạnh trên thị trường đã giúp các nhóm ngành đua nhau khởi sắc, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã giúp VN-Index tiếp đà tăng tốc. Sắc xanh vẫn là màu chủ đạo trên bảng điện tử và VN-Index tiếp tục leo lên những đỉnh cao mới. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng +26,29 điểm, lên mức 1.557,42 điểm, mức điểm cao nhất từ trước tới nay.
Không chỉ lập kỷ lục về điểm số, thanh khoản khớp lệnh cũng xấp xỉ ngưỡng kỷ lục lập ra tại thời điểm đầu tháng 4 và cao hơn +41,7% so với mức bình quân 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 1.855 triệu cổ phiếu (+27,42%), tương đương giá trị đạt 46.754 tỷ đồng (+24,87%).
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có diễn biến tích cực. Trong đó, chỉ số HNX-Index tăng +9,23 lên mức 263,79 điểm; còn chỉ số UPCoM-Index tăng +1,17 điểm lên mức 106,94 điểm.

Thị trường chứng khoán là một trong các trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia.
Ngày 28/7/2000 đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với chỉ vỏn vẹn hai mã cổ phiếu. 25 năm sau, thị trường đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đồng thời là biểu tượng cho quá trình hội nhập, cải cách và phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nếu như những ngày đầu thành lập, thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp, quy mô vốn hóa chỉ khoảng 0,28% GDP, thì đến nay, thị trường đã có trên 1.600 doanh nghiệp tham gia, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và các tổ chức kinh tế.
Thị trường chứng khoán ngày càng hoàn thiện về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, hạ tầng công nghệ, sản phẩm, tổ chức trung gian… và đặc biệt là kênh đầu tư hấp dẫn với hơn 10 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong, ngoài nước.
“Thị trường chứng khoán đã góp phần huy động được hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế hiện đại và là một trong các trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia, bên cạnh hệ thống ngân hàng và bảo hiểm” – Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới, lãnh đạo ngành Tài chính đề nghị toàn lĩnh vực Chứng khoán quán triệt tinh thần, triển khai quyết liệt 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Tổ chức vận hành thị trường một cách an toàn, ổn định, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ cương thị trường.
Tiếp tục tái cấu cơ cấu các trụ cột của thị trường hiệu quả, tăng cường nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nhà đầu tư.
Thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, có chiều sâu, nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/vn-index-lap-dinh-lich-su-i776326/