VN-Index mất hơn 9 điểm: Cổ phiếu trụ 'gãy sóng' trong áp lực chốt lời

Sau hai phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay đầu điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 22/5. VN-Index dù có thời điểm bứt phá vượt mốc 1.330 điểm trong phiên sáng nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu trụ, nhưng áp lực cung gia tăng mạnh vào phiên chiều khiến chỉ số đảo chiều và đóng cửa giảm 9,2 điểm, tương đương 0,7%, về mức 1.313,84 điểm - thấp nhất trong ngày và cách gần 18 điểm so với đỉnh phiên.

Áp lực cung tăng mạnh ở những phút cuối khiến cho VN Index đảo chiều giảm gần 10 điểm

Áp lực cung tăng mạnh ở những phút cuối khiến cho VN Index đảo chiều giảm gần 10 điểm

Tâm lý nhà đầu tư ban đầu khá tích cực sau nhịp hồi phục trước đó. Lệnh mua trên giá tham chiếu xuất hiện dày đặc trên bảng điện ngay từ đầu phiên, giúp chỉ số VN-Index nhanh chóng vượt 1.330 điểm. Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, lượng cổ phiếu bắt đáy trong hai phiên trước bắt đầu về tài khoản, cộng thêm áp lực chốt lời ngắn hạn đã khiến lực cung tăng đột biến, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hệ quả là chỉ số chính nhanh chóng quay đầu giảm, kết phiên sát mức thấp nhất trong ngày.

Thanh khoản toàn thị trường tăng nhẹ so với phiên liền trước. Cụ thể, sàn HOSE ghi nhận giá trị giao dịch đạt 26.100 tỷ đồng, so với mức 24.900 tỷ đồng của phiên trước. Tổng cộng có 1,16 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên cả ba sàn. Trong đó, sàn HNX và UPCoM cũng ghi nhận mức thanh khoản lần lượt gần 1.500 tỷ và 600 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, sắc đỏ chiếm ưu thế với 214 mã giảm, áp đảo hoàn toàn so với 98 mã tăng và 53 mã đứng giá. Chỉ số VN30 cũng diễn biến tương tự khi có tới 24/30 cổ phiếu giảm giá, chỉ 4 mã tăng và 2 mã đi ngang.

Diễn biến tiêu cực tập trung chủ yếu trong phiên chiều, khi lực bán mạnh xuất hiện ở nhiều nhóm ngành dẫn dắt. Nhóm ngân hàng đồng loạt điều chỉnh với 19 mã giảm từ 0-2%. Các mã giao dịch sôi động như SHB, VPB, TCB, MBB và ACB ghi nhận khối lượng lớn từ 18 đến 76 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, điểm sáng hiếm hoi trong ngành là EIB (+4,2%) và KLB (+4,6%) với thanh khoản cao.

VHM từng tăng hơn 5% trong phiên sáng, kéo theo sự hưng phấn của nhóm bất động sản. Tuy nhiên, cổ phiếu này hạ nhiệt về cuối phiên, chỉ còn giữ được mức tăng 1,2%. Phần lớn các mã bất động sản khác quay đầu giảm mạnh, nổi bật là IDJ, V21, HU6 giảm khoảng 6%; DTA, LSG mất 5%; QCG, DRH, NBB, API giảm quanh 3%.

Ngoài ra, sắc đỏ bao phủ nhiều nhóm ngành khác như thực phẩm, hóa chất, công nghệ - viễn thông, bán lẻ, chứng khoán, bảo hiểm… Các cổ phiếu lớn tác động tiêu cực đến chỉ số gồm VPL (-6%, lấy đi 2,4 điểm của VN-Index), VIC, FPT, MBB, CTG, BID, TCB, GVR, LPB, VCB. Tổng cộng, nhóm này khiến chỉ số giảm gần 5 điểm. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu hỗ trợ chỉ số có VHM, HVN, GAS, EIB, POW, EVF, VND, DCM, BSR, VIX – đóng góp tổng cộng 3,2 điểm.

Điểm sáng nổi bật trong phiên 22/5 là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, tăng 6,04%, nối dài chuỗi tăng mạnh thời gian qua. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, mã này đã tăng khoảng 360%, từ mức 8.000 đồng lên vùng 38.000 đồng/cổ phiếu - mức giá cao nhất trong gần 7 năm.

Động lực tăng giá của HVN đến từ cả yếu tố kỹ thuật lẫn dòng tiền đầu cơ quay lại. Đặc biệt, việc hệ thống giao dịch mới KRX đi vào vận hành từ đầu tháng 5 đã tháo gỡ các hạn chế giao dịch trước đây đối với HVN. Nếu trước kia mã này chỉ được khớp lệnh một lần mỗi tuần, thì hiện đã được giao dịch bình thường, tạo cơ hội cho dòng tiền mới nhập cuộc. Kết quả là thanh khoản của HVN tăng đột biến, với hàng triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.

Đà tăng ấn tượng cùng sự trở lại của thanh khoản khiến nhà đầu tư bắt đầu đặt kỳ vọng mới cho cổ phiếu từng là biểu tượng của ngành hàng không quốc gia. Câu hỏi được đặt ra: Liệu HVN có thể trở lại vùng đỉnh lịch sử từng thiết lập năm 2018?

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HoSE phiên thứ ba liên tiếp, nhưng quy mô giảm đáng kể - chỉ còn 114 tỷ đồng, bằng 1/4 phiên trước. Trong đó, các mã được mua ròng mạnh nhất gồm VIX, MWG, VHM và EIB, với giá trị từ 111 đến 147 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất, với 132 tỷ đồng - là mã duy nhất bị bán ròng hơn 100 tỷ đồng trong phiên.

Dù chỉ số chung điều chỉnh, dòng tiền vẫn có sự chọn lọc rõ nét khi tập trung vào những cổ phiếu có yếu tố cơ bản cải thiện hoặc hưởng lợi từ dòng vốn mới, như HVN hay EIB.

Áp lực bán mạnh ở phiên chiều đã khiến đà tăng của thị trường không thể duy trì, đẩy VN-Index giảm hơn 9 điểm. Tuy vậy, thanh khoản gia tăng và sự trỗi dậy của một số cổ phiếu riêng lẻ cho thấy dòng tiền vẫn chưa rút ra mà đang tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn. Diễn biến những phiên tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tâm lý nhà đầu tư trước mốc hỗ trợ tâm lý quanh 1.310 điểm, cũng như các tín hiệu tiếp theo từ nhóm cổ phiếu trụ.

Phan Hà

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/vn-index-mat-hon-9-diem-co-phieu-tru-gay-song-trong-ap-luc-chot-loi-164641.html