VN-Index tăng phiên thứ tư liên tiếp, tiến tới mốc 1.300 điểm
Mặc dù giao dịch khớp lệnh giảm nhưng với số mã tăng khá lớn, VN-Index tăng 11,50 điểm (+0,90%), lên 1.284,05 điểm. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của VN-Index đợt này.
Đóng cửa sàn HoSE có 241 mã tăng, 174 mã giảm, VN-Index tăng 11,50 điểm (+0,90%), lên 1.284,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 836,4 triệu đơn vị, tổng giá trị 20.651,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, xét về giao dịch khớp lệnh, phiên hôm nay giảm nhẹ so với phiên hôm qua, bởi giao dịch thỏa thuận hôm nay lớn hơn với 120,6 triệu đơn vị, giá trị 2.785,1 tỷ đồng.
Đóng góp lớn cho đà tăng mạnh của thị trường hôm nay đến từ nhóm VN30 khi nhóm này có 23 mã tăng, trong khi chỉ có 7 mã giảm nhẹ, trong khi phiên sáng có tới 18 mã giảm và chỉ có 10 mã tăng. Chốt phiên, VN30-Index tăng 12,44 điểm (+0,95%), lên 1.317,69 điểm. Đáng chú ý, lực kéo của nhóm ngân hàng - nhóm cổ phiếu giữ tỷ trọng cao nhất trong rổ vốn hóa - giúp thị trường trở lại sắc xanh.
Theo đó, CTG tăng 3,01% lên 34.200 đồng, BID tăng 2,95% lên 50.600 đồng, VCB tăng 2,2% lên 92.800 đồng, MBB tăng 2,06% lên 24.750 đồng, TPB tăng 1,99% lên 17.900 đồng. Ngoài ra, còn có ACB tăng 1,24% lên 24.400 đồng, HDB tăng 1,12% lên 27.100 đồng, STB tăng 1,01% lên 29.950 đồng, VPB tăng 0,81% lên 18.750 đồng. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng là tân binh NAB với mức tăng 3,96% lên 17.050 đồng. Trong nhóm này chỉ có duy nhất VIB giảm nhẹ 0,23%, còn lại đều tăng.
Ngược lại, PLX là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 1,3% xuống 48.800 đồng.
Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính, là ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính. Trong đó, giá trị giao dịch của CTG đứng đầu với hơn 900 tỷ, FPT sang tay hơn 800 tỷ, HPG, VPB và MWG cùng giao dịch với quy mô hơn 600 tỷ đồng.
Ở nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu nhóm bán lẻ, công nghệ, thép cũng khởi sắc. FRT của FPT Retail tăng gần kịch trần, DGW có thêm 1,6%. Ở nhóm thép, NKG, HSG tăng trên 1%.
Trong khi đó, sàn HNX lại xuất phát chậm hơn khi phải tới nửa cuối phiên chiều mới bứt tốc theo sàn HoSE, leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa, dù mức tăng khiêm tốn hơn VN-Index.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,47%), lên 238,42 điểm với 93 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,6 triệu đơn vị, giảm 15% so với phiên hôm qua. Tổng giá trị 1.403,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,4 triệu đơn vị, giá trị 158 tỷ đồng.
UPCoM cũng hưởng ứng theo 2 sàn niêm yết dù có chút rung lắc trong nửa cuối phiên, nhưng sau đó kịp giữ vững dịp tăng để đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,4%), lên 94,48 điểm với 184 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59 triệu đơn vị, giá trị 1.063,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9 triệu đơn vị, giá trị 200 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đều tăng theo thị trường cơ sở, nhưng mức tăng thấp hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2409 tăng 10,4 điểm (+0,8%), lên 1.312,4 điểm với 222.394 hợp đồng được giao dịch, tương đương giá trị 29.014,8 tỷ đồng; khối lượng mở 44.906 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 5 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, trong đó có 4 mã do SSI phát hành và 1 mã do HSC phát hành. Ngoài ra, còn có thêm 8 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 5 mã do SSI phát hành 2 mã do HSC phát hành và 1 mã do ACBS phát hành. Các chứng quyền này chủ yếu là của cổ phiếu ngân hàng như VPB, STB, MBB, ACB, TPB, cùng với các bluechip khác như HPG, MSN, VRE.