VN-Index tiếp tục bị 'xả'' mạnh sau cú sốc thuế quan
Mặc dù lực cầu đã xuất hiện và giúp cho chỉ số dần lấy lại điểm số nhưng bên bán vẫn chiếm ưu thế hơn dẫn đến VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.
Áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau tin áp thuế từ Mỹ chưa dừng lại. Chỉ ít phút sau khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay 4/4, VN-Index đã bước vào trạng thái "rơi" tự do. Tâm lý tiêu cực tiếp tục bao trùm toàn thị trường.
VN-Index có thời điểm giảm hơn 70 điểm nhưng dòng tiền nhập cuộc đã giúp chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam thu hẹp đà giảm. Tạm kết phiên sáng ngày 4/4, VN-Index giảm 47,77 điểm, tương đương 3,88%, xuống còn 1.182,07 điểm.
Sự giảm điểm chủ yếu xuất phát từ việc bán tháo cổ phiếu của các nhà đầu tư. Các nhóm ngành lớn như tài chính, bất động sản và công nghiệp đều ghi nhận sự giảm điểm mạnh.
Phiên chiều với lực cầu tiếp tục xuất hiện đã giúp cho chỉ số dần lấy lại điểm số nhưng bên bán vẫn chiếm ưu thế hơn dẫn đến VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

VN-Index tiếp tục bị "xả"' mạnh sau cú sốc thuế quan.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index giảm 19,17 điểm (-1,56%), xuống mức 1.210,67 điểm; HNX-Index giảm 3,98 điểm (-1,8%), xuống mức 216,97 điểm. Độ rộng toàn thị trường với sắc đỏ có phần áp đảo với bên bán có 513 mã giảm và bên mua có 255 mã tăng. Sắc đỏ có phần áp đảo trong rổ VN30 với 20 mã giảm, 9 mã tăng và 1 mã tham chiếu.
Về mức độ ảnh hưởng, GAS, GVR, BCM và HPG là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index với hơn 6,1 điểm giảm. Ở chiều ngược lại, VIC, LPB, VNM và VHM là những mã vẫn giữ được sắc xanh và đóng góp vào chỉ số chung hơn 5,7 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 1,8 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 39,5 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 128,7 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1,8 ngàn tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù chính sách thuế quan mới của Mỹ chưa chính thức có hiệu lực cho đến ngày 9/4, nhưng tác động của nó đã ngay lập tức lan tỏa, gây ra một làn sóng bán tháo mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với các ngành xuất khẩu, đặc biệt là các ngành chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản và gỗ nội thất, tạo áp lực lớn lên toàn bộ thị trường.
Phiên giao dịch tiêu cực ngày hôm qua đã khiến VN-Index "bốc hơi" toàn bộ thành quả tích lũy từ đầu năm, kéo theo tâm lý hoang mang trên diện rộng. Dù vậy, theo một số chuyên gia, cú sập này không hoàn toàn tiêu cực nếu nhìn xa hơn một nhịp.
Chuyên gia khuyến nghị nhà nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên đánh giá lại danh mục và tránh bán tháo theo tâm lý đám đông. Nếu nắm giữ cổ phiếu của các ngành chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan như dệt may, thủy sản, gỗ, nhà đầu tư có thể cân nhắc cắt lỗ hoặc giảm tỷ trọng để bảo toàn vốn.
Ngược lại, nếu danh mục có cổ phiếu ngành phòng thủ như tiêu dùng thiết yếu, y tế thì có thể giữ và chờ thị trường ổn định. Song, nếu cổ phiếu vi phạm điểm cắt lỗ thì vẫn phải cắt.
Đối với nhóm nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phiếu, nên chờ tín hiệu phục hồi trước khi ra quyết định “bắt đáy”, ví dụ như VN-Index tạo đáy kỹ thuật, Chính phủ công bố biện pháp hỗ trợ hay ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng tài chính vững, ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.