VN-Index tuột đỉnh
Dù nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng phát tín hiệu tích cực, nhưng VN-Index đóng cửa phiên hôm nay (6/6) dưới tham chiếu. Chỉ số chính không giữ được mốc 1.290 điểm.
Thị trường khởi sắc trong phiên sáng, giao dịch quanh mốc 1.290 điểm. Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, đầu tư công hỗ trợ đắc lực cho đà tăng của VN-Index, với nỗ lực tìm về đỉnh cũ. Tuy nhiên, thanh khoản tăng chậm lại, dòng tiền có phần thận trọng.
Qua giờ nghỉ trưa, VN-Index gặp khó trong việc giữ mốc 1.290 điểm. Lực bán tăng dần, thanh khoản HoSE tăng nhanh hơn, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng. Thị trường quay đầu điều chỉnh, có thời điểm chỉ số rơi thủng mốc 1.280 điểm. Vùng đỉnh cũ vẫn là thử thách với chứng khoán trong nước.
Dù VN-Index đóng cửa lui về sắc đỏ, nhưng VN30-Index vẫn tăng hơn 2 điểm. Động lực từ các mã ngân hàng STB, TCB, BID, VCB, SHB… Nhóm ngân hàng đồng loạt khoe sắc xanh, nhưng đóng góp tới thị trường còn khiêm tốn, VCB chỉ nhích nhẹ 0,2%. Các đại diện còn lại của Big4 (ngân hàng quốc doanh) như BID, CTG cũng chỉ tăng 0,5-0,6%.
Ở chiều ngược lại, giao dịch tiêu cực nhất là các mã VNM, HVN, VIC, GVR, VHM, DGC… Thị trường trở lại phân hóa với sắc đỏ lấn át trên HoSE.
Các ngành diễn biến tích cực vừa qua như thép, thực phẩm đồ uống… cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Nhóm thép “nguội” đi so với phiên hôm qua, tuy nhiên, sắc xanh vẫn xuất hiện tại HPG, HSG, NKG…
Sau thông tin Hòa Phát chính thức cán mốc 10 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) tự sản xuất, cổ phiếu HPG tiếp tục tăng nhẹ lên 29.300 đồng/đơn vị. Thị giá của HPG đang quanh vùng đỉnh 2 năm. Vốn hóa doanh nghiệp cao thứ 5 trên sàn chứng khoán (xếp sau VCB, VGI, BID, ACV). HPG cũng trở thành doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất (187 nghìn tỷ đồng).
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,79 điểm (0,06%) xuống 1.283,56 điểm. HNX-Index giảm 0,31 điểm (0,13%) xuống 244,18 điểm. UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (0,88%) lên 98,32 điểm. Thanh khoản dù tăng nhanh hơn trong phiên chiều, nhưng giá trị khớp lệnh HoSE vẫn giảm so với hôm qua, chỉ đạt 19.775 tỷ đồng,
Giao dịch khối ngoại tiêu cực hơn bán ròng mạnh trở lại với giá trị 801 tỷ đồng, tập trung vào FPT, TCB, MWG, VNM…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vn-index-tuot-dinh-post1643962.tpo