VNPT đi đầu thực hiện các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW
Các doanh nghiệp công nghệ trụ cột của nhà nước như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đóng vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào thực tiễn. Đây là những đơn vị có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và hạ tầng, đồng thời sở hữu đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, đáp ứng tốt yêu cầu triển khai các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã đề ra.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước.
Xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 57-NQ/TW đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công–tư.
Bên cạnh đó, còn có các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp giúp tạo môi trường thuận lợi, thực tiễn hơn cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, việc chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học sẽ cho phép các nhà khoa học mạnh dạn khai phá những ý tưởng và hướng đi mới.
Trong nhiệm hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn, những doanh nghiệp công nghệ trụ cột như VNPT luôn được xác định đóng vai trò nòng cốt vô cùng quan trọng. Vì vậy, để thực hiện sứ mệnh của mình, Tập đoàn VNPT sẽ tập trung vào triển khai đồng bộ và quyết liệt 3 nhiệm vụ ưu tiên chính.
Thứ nhất, VNPT sẽ đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) với trọng tâm là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, Cloud và 5G/6G, tạo cơ sở cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ hai, Tập đoàn sẽ xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, đặc biệt là mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số quốc gia, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Thứ ba, VNPT tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo chuyên sâu và thu hút nhân tài trong nước lẫn quốc tế.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết: Thực hiện các nội dung trong Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ như VNPT khẳng định vị thế, thực sự trở thành trụ cột chính trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam tiến lên tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới.
Tiên phong trong Chuyển đổi số quốc gia
Đồng hành cùng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, trong những năm qua, VNPT luôn hướng mạnh đến phát triển và cung cấp các hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin, đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số.
Hiện, Tập đoàn đã phát triển hạ tầng cáp quang rộng khắp để cung cấp internet băng thông rộng đến 100% các xã trên toàn quốc, đến từng hộ gia đình, góp phần giảm khoảng cách số giữa các vùng miền, địa phương. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực cho mạng 4G, VNPT đã chính thức khai trương VinaPhone 5G vào ngày 20/12 vừa qua. Đến thời điểm này, Vinaphone 5G đã hiện diện phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, chú trọng phủ sóng và cung cấp dịch vụ tại các khu vực trọng điểm về kinh tế xã hội như Trung tâm hành chính Quận/ Huyện, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường học, bệnh viện, khu du lịch.
Không chỉ sở hữu hạ tầng viễn thông hiện đại nhất, VNPT còn tiên phong cung cấp hệ sinh thái số hàng đầu tại Việt Nam với việc sở hữu 8 trung tâm dữ liệu. Các Trung tâm này đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe trong nước và quốc tế; trong đó, IDC Hòa Lạc là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam, có khả năng cung cấp dịch vụ dữ liệu cao cấp nhất, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mang tính “may đo” của mọi phân khúc khách hàng.
Việc liên tục xây dựng, phát triển và đưa vào khai thác các trung tâm dữ liệu lớn minh chứng cho khát vọng của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng số hiện đại, đạt chuẩn quốc tế để dữ liệu Việt Nam được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ và Bộ thông tin Truyền thông. Đó là mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước.
VNPT cũng đã tập trung nghiên cứu và làm chủ nhiều công nghệ mới 4.0 như AI, Big Data, IOT, Block chain,… cho phép các doanh nghiệp, người dân chia sẻ, phát triển và sử dụng dịch vụ. Trong đó, VNPT đã nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái các dịch vụ VNPT AI bao phủ nhiều lĩnh vực từ định danh eKYC, xử lý giọng nói, xử lý văn bản cho tới nhận diện khuôn mặt, nhận diện hình ảnh,... VNPT AI được ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt chuẩn quốc tế và được làm chủ hoàn toàn bởi các kỹ sư Việt Nam nên có khả năng thay đổi tương tích với nhu cầu và điều kiện đặc thù tại Việt Nam.
Gần đây, VNPT vừa ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây toàn diện của doanh nghiệp (VNPT Cloud). Đây là một bước đi phù hợp với xu hướng toàn cầu về chuyển đổi sang các công nghệ xanh và thân thiện với môi trường khi mà các công nghệ được áp dụng đều hướng tới người dùng, tiết kiệm điện năng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, Tập đoàn cũng đưa vào triển khai kinh doanh hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các khách hàng từ chính quyền đến doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ,… trên 2 nền tảng là AIMS và VNPT Green.
Có thể nói, các giải pháp số của VNPT đã và đang được ứng dụng phục vụ mục tiêu chuyển đổi số của nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số tại Việt Nam. VNPT đã đặt mục tiêu thực hiện đồng thời 2 chiến lược đột phá trong chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi xanh, hướng tới không chỉ trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu tại Việt Nam mà còn tiên phong trong xu thế chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Với tiềm lực và kinh nghiệm về hạ tầng số, an toàn thông tin và các giải pháp công nghệ thông tin, VNPT luôn được Chính phủ tin tưởng, lựa chọn đảm nhận vai trò quan trọng trong nhiều dự án quốc gia như Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống Thông tin Báo cáo quốc gia,...
Đây là những dự án mang tính nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Xác định dữ liệu quốc gia là một trong các trọng tâm của Chính phủ số, VNPT đã triển khai tích hợp, liên thông dữ liệu toàn diện cho hệ sinh thái OneGov; nâng cấp hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Cán bộ, công chức, viên chức,… đồng thời triển khai Kho dữ liệu, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đất đai, Y tế, Giáo dục, An sinh xã hội, Xây dựng, Công thương, Văn hóa, thể thao, du lịch,....
VNPT đã tham gia cung cấp các giải pháp đáp ứng 31/44 mô hình điểm của Đề án 06/CP. Trong giai đoạn tới, Tập đoàn xác định sẽ tiếp tục chiến lược hợp tác và đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và các Tập đoàn/Tổng công ty lớn để xây dựng nền tảng giải pháp chuyển đổi số mang tầm quốc gia.
Năm 2025 và các năm tiếp theo, đất nước sẽ nhiều sự đổi mới để hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện sứ mệnh của một tập đoàn công nghệ chủ lực luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, đồng thời triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 57-NQ/TW, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục đầu tư bài bản vào hạ tầng, công nghệ và con người, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, mở rộng hợp tác với các đối tác, chung tay tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.