VNPT kiến nghị Nhà nước không quản lý dòng vốn đầu tư đối với doanh nghiệp F2

Tại Tọa đàm Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (dự thảo Luật), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái cho rằng, Nhà nước chỉ nên quản lý vốn đối với doanh nghiệp F1 và giao cho doanh nghiệp này quản lý những doanh nghiệp F2, F3.

Tọa đàm do Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức ngày 10/7.

Ông Nguyễn Đình Danh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh, dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ, đối tượng áp dụng gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Trong đó, doanh có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Điều này khiến không ít các tập đoàn, tổng công ty có doanh nghiệp cấp 2, cấp 3 khó triển khai.

“Trên thực tế vốn của doanh nghiệp “chảy” đi khắp nơi, việc quản lý dòng vốn nhà nước đến cùng liệu có tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay sẽ chặt chẽ hơn so với Luật số 69/2014/QH13” – ông Danh lo ngại.

Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái, nếu tiền “chảy” đến đâu quản lý đến đó là đúng nguyên tắc, tuy nhiên trong trường hợp VNPT là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (doanh nghiệp F1) đầu tư vào doanh nghiệp tiếp theo (doanh nghiệp F2) và doanh nghiệp F2 có nhu cầu đầu tư đến doanh nghiệp F3… thì sẽ khó thực hiện. Bởi, nếu đánh đồng giữa F1 và Fn về mặt nhân sự, kế hoạch sản xuất kinh doanh, lợi nhuận, thù lao… thì cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ có rất nhiều việc để làm, thậm chí là không thể thực hiện được.

“Nhà nước chỉ nên quản lý vốn đối với doanh nghiệp F1 và giao cho doanh nghiệp này quản lý những doanh nghiệp F2, F3. Khi đó, tất cả các kết quả sản xuất kinh doanh của các F2, F3 do F1 đầu tư được phản ánh kết quả hoạt động của F1. Do vậy, đánh giá hiệu quả quản lý vốn chỉ thực hiện với doanh nghiệp F1 là đủ và F1 chịu trách nhiệm việc vốn Nhà nước đầu tư ra phải hiệu quả, đúng pháp luật. Nghĩa là, Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đối với doanh nghiệp cấp 1, không thể quản lý được nhiều” - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT kiến nghị.

Làm rõ ý kiến góp ý của doanh nghiệp, ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Luật cho biết, dự thảo quy định đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Theo đó, Nhà nước sẽ quản lý dòng tiền và có phân cấp, phân quyền, phân công, không phải toàn bộ tất cả các vấn đề F2 phải thực hiện như F1. Tinh thần là tất cả những vấn đề thuộc F2 sẽ do F1 quyết định.

“Điều 27 dự thảo nêu rõ, Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước có giá trị từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước có giá trị từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 20.000 tỷ đồng; Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước có giá trị dưới 5.000 tỷ đồng, không phải lập và đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư. Như vậy, đối với khoản đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng, doanh nghiệp tự quyết định” - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh.

Ông Bùi Tuấn Minh cho biết thêm, việc xác định doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư vốn, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW đã xác định; đồng thời Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn.

Đồng thời, quy định rõ Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Như vậy, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không quy định mở rộng đối tượng quản lý so với hiện nay.

Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định theo hướng xác định đối tượng điều chỉnh tại dự thảo Luật là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”.

Thu Hằng

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vnpt-kien-nghi-nha-nuoc-khong-quan-ly-dong-von-dau-tu-doi-voi-doanh-nghiep-f2-d50166.html