Vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết: 'Gia đình sẽ dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả'

Trả lời tại tòa, bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, ông Quyết mong muốn bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án.

Chiều 23/7, khi tham gia xét hỏi tại phiên sơ thẩm xét xử 50 bị cáo liên quan vụ án tại Tập đoàn FLC, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ của bị cáo Trịnh Văn Quyết) được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm dân sự.

Hai ngày trước đó, khi phiên tòa sắp diễn ra, ông Quyết đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc chỉ đạo bán cổ phiếu mã ROS của Công ty Faros, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Trong 50 bị cáo của vụ án, 27 người bị tạm giam.

Trong 50 bị cáo của vụ án, 27 người bị tạm giam.

Trình bày tại tòa, bà Diệp cho biết, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của vợ chồng ông Quyết và bà này. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số nhà băng.

"Tôi đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả, vì mong muốn của anh Quyết trong suốt quá trình bị tạm giam là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này", bà Diệp trình bày.

Cũng theo vợ của Trịnh Văn Quyết, những tài sản bị phong tỏa, kê biên và tài sản thế chấp ngân hàng đã được gửi hồ sơ cho cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Do đó, bà không thể biết chính xác.

Ngoài ra, trong khi phiên tòa đang diễn ra, bà Diệp cho biết tính đến ngày hôm nay (23/7), gia đình thực hiện mong muốn và nguyện vọng của bị cáo Quyết, tiếp tục huy động và vay mượn để nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong phần xét hỏi vừa qua, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thừa nhận hầu hết cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân. Trong đó, bị cáo nhận đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế và các nhân viên khác nâng khống giá trị của công ty từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ.

Sau đó, các bị cáo làm thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bán ra thị trường rồi hưởng lợi hơn 3.600 tỷ đồng.

Về mục đích nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros, ông Quyết cho rằng điều này không nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Trái lại, việc làm đó là để phục vụ cho chủ trương thành lập một công ty xây dựng, chủ động cho các hoạt động đầu tư trong hệ thống Tập đoàn FLC và dự án ở ngoài tập đoàn.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, em gái ông Trịnh Văn Quyết.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, em gái ông Trịnh Văn Quyết.

Nhiều bị cáo khác, trong đó có Trịnh Thị Minh Huế đều khai họ làm việc theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết và không được hưởng lợi gì.

Trong đó, đối với hành vi tăng khống vốn điều lệ của Công ty Faros, bị cáo Huế khai Trịnh Văn Quyết giao cho bà này chuẩn bị hồ sơ đưa cho người thân, người quen ký, nhờ họ đứng tên cổ đông và làm thủ tục nộp tiền, rút tiền.

Còn với hành vi thao túng chứng khoán, bị cáo Huế cũng khai thực hiện theo chỉ đạo của anh trai. Theo nữ bị cáo, ông Quyết bảo mượn giấy tờ tùy thân của nhiều người để mở tài khoản chứng khoán.

Cũng theo hồ sơ vụ án, hiện có 63.077 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu mã ROS của Công ty Faros. Tuy nhiên, suốt 2 ngày xét xử vừa qua, chỉ có vài người đến tòa án để theo dõi quá trình tố tụng.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vo-bi-cao-trinh-van-quyet-gia-dinh-se-dung-toan-bo-tai-san-de-khac-phuc-hau-qua-192240723150305206.htm