Vợ bộ đội thời nay

Mỗi khi kể về gia đình, Thiếu tá QNCN Chu Thành Tiệp, nhân viên kiểm tra giám sát, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bắc Luân, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) luôn dành những lời yêu thương chân thành nhất cho người vợ hiền Phạm Thị Hà. 16 năm về chung sống một nhà, chị Hà luôn là hậu phương vững chắc, tròn vai vợ hiền, dâu thảo để anh Tiệp yên tâm công tác...

Từ ngày theo anh về làm dâu, họ hàng hai bên chưa từng nghe thấy chị than vãn về cuộc sống của mình, mặc dù có giai đoạn gia đình rất khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Có dịp được nghe chị Hà tâm sự về hoàn cảnh của mình mới thấy hết nghị lực ẩn giấu qua vẻ ngoài mảnh mai, nữ tính của chị. Sinh ra và lớn lên ở TP Phủ Lý (Hà Nam), chị Hà là con thứ hai trong gia đình có tới 5 anh chị em. Cuộc sống gia đình khó khăn nên chỉ học đến THPT chị đành tạm dừng việc học để đi làm phụ giúp bố mẹ, nhường cho các em được học hành đầy đủ. Đến năm 2007, một người bác họ xin phép gia đình đưa Hà ra TP Hạ Long (Quảng Ninh) để lập nghiệp, với mong muốn giúp gia đình chị thay đổi phần nào cuộc sống.

Ở TP Hạ Long, người bác mở cho chị một cửa hàng nhỏ bán phụ kiện và điện thoại. Cửa hàng của chị ở gần cổng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Với sự cần cù, chịu khó, lại có khuôn mặt xinh xắn, nước da trắng trẻo, dáng người dong dỏng cao, hay nói hay cười nên chị trở thành tâm điểm để các chàng trai hướng đến, trong đó có nhiều anh bộ đội.

Chị Phạm Thị Hà và hai con.

Chị Phạm Thị Hà và hai con.

Mặc dù vậy, chị Hà chưa hề nghĩ đến chuyện riêng tư. Bởi mục tiêu của chị là ổn định công việc, có thu nhập đỡ đần bố mẹ. Trong số những chàng trai hay ghé thăm, có anh bộ đội mang cái tên thật lạ Chu Thành Tiệp. Hôm đó, đúng ngày 8-3, khi chuẩn bị đóng cửa hàng, thì anh Tiệp xuất hiện, cầm theo 10 bông hoa hồng nhung đỏ thắm tặng chị. Sau vài phút bỡ ngỡ, rồi chị cũng lấy chiếc bình ra và cùng anh cắm hoa. Lúc này chị cảm nhận được sự chân thành từ phía anh.

Tình cảm của đôi lứa giữa chị và anh cứ thế phát triển theo thời gian. Sau hơn 700 ngày tìm hiểu, năm 2009, anh chị chính thức nên duyên vợ chồng. Nội, ngoại hai bên đều ở xa nên sau đám cưới, anh chị thuê căn phòng trọ gần đơn vị làm tổ ấm cho mình.

Năm 2011, chị Hà chuyển về Cẩm Phả để tiện chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Chị nhớ ngày chuyển dạ đúng đợt dịch Covid-19, mẹ chồng không có nhà, mẹ đẻ trong vùng dịch, không được ra ngoài. Cảm giác trong chị vừa lo, vừa sợ, vừa hoang mang, tủi thân khi bản thân phải tự gọi xe, xách đồ, một mình đến viện sinh con... Nằm trong phòng sinh, khi nghe tiếng con khóc và tiếng bác sĩ chúc mừng "mẹ tròn con vuông", chị mới thở phào, những giọt nước mắt vui mừng, tủi thân xen lẫn.

Con vừa được hai tháng, mẹ chồng phải về quê chăm ông bà bị ốm; thời điểm đó cũng là lúc bố chồng chị bị tai biến. Vậy là chị vừa chăm con nhỏ vừa chăm sóc bố chồng. Dù trong hoàn cảnh ấy nhưng mỗi khi chồng gọi điện về, chị không hề than phiền mà luôn động viên anh yên tâm công tác. Nhìn đôi mắt của chị thâm quầng, trũng sâu vì thiếu ngủ khiến anh Tiệp càng thương vợ.

Con nhỏ, kinh tế cả gia đình chỉ trông vào đồng lương của anh nên chi tiêu cũng phải thật khéo. Con thêm vài tháng tuổi, chị bắt đầu nhận làm trang điểm và cho thuê trang phục. Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị Hà bảo: “Có những hôm đi trang điểm cô dâu từ 1-2 giờ sáng, con thiếu hơi mẹ nên khóc ngằn ngặt, tôi đành phải bế con đi cùng. Đến nơi, tôi mượn tạm một chỗ để con nằm ngủ tiếp. Khi xong việc trời cũng gần sáng, mẹ con lại bồng bế nhau về”. Nhiều lúc mải làm, nửa đêm xong việc, khi vào phòng thấy các con tự chơi, tự ôm nhau ngủ khiến chị vừa thương lại vừa tủi thân, cứ thế ngồi khóc một mình.

Nhiều người quan tâm, hỏi chị Hà làm vợ bộ đội chắc thiệt thòi lắm? Những lúc ấy, chị chỉ cười chứ không giải thích nhiều. Chị bảo: "Tôi luôn tự hào mình là vợ người lính. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn yêu anh, yêu màu xanh áo lính”.

Bài và ảnh: TRẦN THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vo-bo-doi-thoi-nay-806854