Vở cải lương 'Vì sao lạc xứ': Lý giải uẩn khúc lịch sử bằng tình yêu lạ
Vì nghe theo tiếng gọi của trái tim mà Hồ Nguyên Trừng quyết định giao bí quyết chế tạo thuốc súng và súng thần cơ cho triều đình nhà Minh?
Đó là cách lý giải của ê kíp sáng tạo - Đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam - về nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng - con trai của Hồ Quý Ly và là Tả tướng quốc cơ mưu, thao lược của triều đại nhà Hồ, trong vở cải lương “Vì sao lạc xứ” (tác giả: Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên). Vở cải lương vừa được công diễn tại Thủ đô Hà Nội (lúc 20 giờ ngày 1 và 2 tháng 7, tại rạp Kim Mã, Hà Nội).
Lý giải bằng tình yêu lạ
“Vì sao lạc xứ” đã dành trọn 2 tiếng để kể câu chuyện nhà Minh đã dùng mỹ nhân kế hòng đoạt bí quyết chế tạo thuốc súng và súng thần cơ của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng khi ông bị giam lỏng ở phương Bắc. Đấy là cuộc đấu trí công khai giữa Hồ Nguyên Trừng với người đẹp Vân Khanh.
Dù sử dụng những kế sách như làm động lòng trắc ẩn trước thân phận nữ nhi liễu yếu đào tơ côi cút cũng như cố tình “lật ngửa” quân bài để đánh vào tấm lòng hiếu thảo của Hồ Nguyên Trừng với cha ông là Hồ Quý Ly, thậm chí quyết đem cả thân xác quyến rũ nhưng mỹ nhân ấy chẳng những không thể lấy được bí kíp ấy mà luôn bị Hồ Nguyên Trừng “bóc mẽ”.
Thế nên, trước một vị tướng quốc tài trí hơn người và cùng vì cảnh ngộ cực chẳng đã phải thực hiện nhiệm vụ gián điệp này - vì phải cứu cha mẹ, họ hàng đang bị nhà Minh giam cầm nên Vân Khanh đã đem lòng vấn vương, thương mến Hồ Nguyên Trừng.
Chuyện thật lịch sử chỉ có mỗi chi tiết Hồ Nguyên Trừng có tài về thuốc súng và thần công. Triều đình nhà Minh đã tận dụng được thiên tài này. Vậy nên, khi đưa lên sân khấu, chúng tôi phải hư cấu một chuyện tình với mục đích lớn nhất là làm hiện rõ lòng yêu nước của cha con Hồ Quý Ly, dù triều đại nhà Hồ bị thất bại. Cái hư cấu đó không có gì vượt quá sự thật. Ngoài ra, không có cứ liệu lịch sử nào cho cái kết của vở diễn. Đây là cách lý giải của ê kíp. Hồ Nguyên Trừng không hẳn điên nhưng lúc tỉnh lúc mê, lẫn lộn không biết đâu là thực, là giả, cứ nghĩ đấy là những cái có thể mang về cho trời Nam nên ông lao đầu vào nghiên cứu và làm.
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên
Chỉ đến khi Vân Khanh bị thúc ép phải giăng thiên la địa võng, dùng khổ nhục kế (bị chính quan quân nhà Minh tra tấn, chặt đứt cánh tay) thì Hồ Nguyên Trừng mới chịu tin và trao bí quyết để cứu người con gái đã gieo vào trái tim ông những thổn thức…
Nhưng, tình yêu ấy đã mãi mãi không thành khi Vân Khanh đau đớn tự vẫn vì nhận ra bị mắc kế độc của nhà Minh khiến cô bội bạc cả tri kỷ. Vở diễn khép lại bằng nốt nhạc trầm với hình ảnh Nam Ông Hồ Nguyên Trừng nửa mê nửa tỉnh hoài vọng trở về cố quốc.
Câu chuyện tình yêu ấy được kể trong một không gian sân khấu mang đậm tính ước lệ. Chỉ một khung cửa sổ cũng đủ gợi cho khán giả hình dung đấy là nơi nhà Minh giam lỏng Hồ Nguyên Trừng. Hình tượng con rồng bị xé làm 3 mảnh và treo lơ lửng mang sức gợi rất lớn.
Dù rất mùi mẫn, đầy hấp dẫn, mới mẻ khi vở diễn còn có màu sắc của kiếm hiệp, của trinh thám nhưng dường như câu chuyện tình yêu được kể ở đây thật lạ lẫm và dễ gây tranh cãi vì dường như chưa thuyết phục và liệu rằng có đủ sức tôn vinh nhân vật? Thêm nữa, cái kết của vở diễn cũng rất xa lạ khi so với chính sử chép Hồ Nguyên Trừng làm quan đến chức Thượng thư bộ Công của nhà Minh nhưng ở vở diễn lại được thể hiện ông mê mê tỉnh tỉnh?
Chấp nhận tranh cãi
Trao đổi với tác giả Nguyễn Toàn Thắng, anh cho biết, khi viết kịch bản văn học lịch sử anh luôn giữ cái mốc lịch sử được thừa nhận: Hồ Nguyên Trừng phải dâng bí quyết cho nhà Minh và mỗi khi nhà Minh sử dụng súng thần công thì vẫn phải làm lễ tế Hồ Nguyên Trừng, để từ đó sáng tạo, hư cấu ra một câu chuyện.
Sự hư cấu này dựa vào sự cảm nhận về nhân vật lịch sử và theo anh hoàn toàn đúng logic nhân vật: Một người làm đến Tả tướng quốc và đã nhường ngôi cho em (Hồ Hán Thương) thì Hồ Nguyên Trừng là một người yêu nước nên ông không thể làm một việc như thế. Ở phần cuối của vở diễn, khi bị buộc phải ở hoàn cảnh bơ vơ, hiểu ra Vân Khanh bất đắc dĩ phải làm gián điệp thì Hồ Nguyên Trừng có nảy sinh một tình yêu thật. Ông đã xử sự một cách con người nhất, khi không đem được bí quyết đó cho người Việt thì thà cứu một người cụ thể còn hơn. Cũng qua đó để hiểu rằng, ở trong những bối cảnh của lịch sử, những sự biến của lịch sử thì con người chỉ là những hạt cát bé nhỏ phải theo guồng quay của lịch sử.
“Tôi có ý nghĩ rằng, nếu mình viết mà không tôn trọng tiền nhân là mình hơi đi vào cái thứ gọi là minh họa dòng lịch sử, chép không được chính xác. Chính vì thế mà tôi hình dung cụ là một người yêu nước cùng với cha và em vì không gặp thời và vì nhiều lý do đành phải sang phương Bắc. Cụ không muốn chết vì cụ muốn dâng lại bí quyết, cách làm súng thần công về Việt Nam, mong một ngày báo quốc” - tác giả Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Cũng theo tác giả, anh không ngại gặp phản ứng và chấp nhận mọi cách hiểu, mọi bàn tán của khán giả khi anh không theo tư duy sáng tạo trước đó là mô phỏng lịch sử vì sẽ làm khán giả biết câu chuyện nên gây sự khó chịu. Còn cách sáng tạo này sẽ khiến khán giả băn khoăn không hiểu thế nào, lịch sử có đúng như thế không là điều rất bình thường. Anh mong muốn, xem xong vở diễn, nếu khán giả cảm giác được chút gì chua xót với Hồ Nguyên Trừng, thông cảm với nhân vật Hồ Quý Ly, và hiểu để đất nước, hiểu được để có hôm nay bao người đã ngã xuống như thế nào là rất thành công rồi.
“Nếu xem tiếp các vở lịch sử của tôi sau này, tôi còn hoàn toàn hư cấu, cho thêm các lớp đằng sau. Chẳng hạn tới đây Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ dựng vở về Bà Triệu mà tôi viết kịch bản. Ở kịch bản này tôi còn hư cấu Bà Triệu có người yêu là một “soái ca”. Vì với tôi, trong một câu chuyện luôn phải có hàng ngàn những câu chuyện phía dưới”, tác giả Nguyễn Toàn Thắng cho hay.