Vô cảm với bạo lực học đường cũng là tội ác

Từ năm 2019, ngành Giáo dục đã triển khai xây dựng mô hình 'Trường học hạnh phúc' trên 3 tiêu chí ban đầu hướng đến 'yêu thương, an toàn, tôn trọng'. Đó là động thái thật sự cần thiết và quan trọng cho bối cảnh của đổi mới giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường đã và đang làm cho nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh cảm thấy lo lắng.

Nữ sinh ở Hà Nội bị các bạn đánh hội đồng, quay video phát lên mạng xã hộI. (Ảnh chụp màn hình clip)

Nữ sinh ở Hà Nội bị các bạn đánh hội đồng, quay video phát lên mạng xã hộI. (Ảnh chụp màn hình clip)

Mỗi trường học cần có bộ quy tắc và công khai số điện thoại SOS!

Hậu quả của nhiều vụ bạo lực học đường trong thời gian gần đây với tính chất của vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Điều rất lạ lùng là theo các bản báo cáo thành tích cuối năm học, gần như lớp nào, trường nào, địa phương nào cũng đều có số lượng học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt là tuyệt đại đa số, còn rất ít khá và trung bình. Nhưng số vụ bạo lực học đường lại tăng đến mức độ nghiêm trọng.

Để triệt tiêu hoàn toàn vấn đề bạo lực học đường gần như là chuyện rất khó với lứa tuổi học sinh đầy hiếu động và dễ tăng động. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất vấn đề bạo lực học đường trong các nhà trường, để giải quyết tận gốc vấn đề, phải có những giải pháp mang tính tổng thể.

Đó là, đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử.

Về phía gia đình, bố mẹ cần quan tâm và tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời cập nhật, nắm bắt tình hình học tập và rèn luyện của con em mình tại trường học thông qua các trang zalo (nhóm kín) của Hội cha mẹ học sinh. Khi ở trên trường, nếu con cái bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ cần phải là chỗ dựa tinh thần cho con. Cùng chủ động mở lòng và chia sẻ với con để con có thể gửi gắm suy nghĩ, lo lắng, bực bội và chính cha mẹ là người hướng dẫn, động viên con tự chủ, tìm phương án tự bảo vệ mình.

Ở nhà, cha mẹ hãy dạy cho con năng lực tự vệ và biết cách bảo vệ mình trước nguy cơ của bạo lực. Trong các người thầy dạy thì cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và những bài học đầu tiên mà các con được học chính là từ gia đình. Bố mẹ không quan tâm, thiếu sâu sát, bày dạy cho con ở nhà thì khi ra đường, đến trường các con gặp những tình huống bạo lực và bất lực thì điểm tựa cuối cùng nhưng hiệu quả nhất chính là cha mẹ. Gia đình chính là nhân tố đầu tiên và quyết định trong việc hình thành nhân cách, lối sống và cách hành xử của con cái. Và khi con có biểu hiện lệch chuẩn, có suy nghĩ và hành động bạo lực thì cha mẹ mới là người đầu tiên nhận diện và phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Thực tế có nhiều sự việc, vụ việc liên quan đến bạo lực học đường của học sinh (dù ở trường hay ở nhà), giáo viên hầu như là người lãnh đủ “bạo lực” đến từ nhiều phía. Còn vai trò của gia đình, cha mẹ thì lại không thấy nhắc và nhận. Giáo viên bây giờ cũng là một nghề nguy hiểm, giáo viên chủ nhiệm lớp lại càng nguy hiểm hơn. Việc giáo dục học sinh, đó không chỉ là nhiệm vụ của thầy cô ở trường.

Nhà trường cũng cần chú trọng trong việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường. Phối hợp với gia đình để quan tâm và hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của học sinh. Giữ mối liên hệ thường xuyên với cha mẹ học sinh và cơ quan Công an để sớm phát hiện những vấn đề bất thường và kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra.

Một thực tế mang tính phổ biến hiện nay ở hầu hết các nhà trường, cơ sở giáo dục là không có phòng tư vấn tâm lý học đường, không có người chuyên trách, không có biên chế và kinh phí hoạt động, một thiết chế mà mỗi khi có bạo lực học đường xảy ra, ai cũng đều nghĩ đến.

Có một giải pháp cần thiết mà tôi muốn đề nghị là trước các cổng trường và trong khuôn viên trường, nhà trường nên công khai số máy điện thoại của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đoàn trường... để khi học sinh cần thiết liên lạc về bạo lực học đường, mọi việc sẽ được xử lý kịp thời, hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực trong và ngoài trường liên quan đến học sinh của trường. Về giải pháp này, có Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã làm khá hiệu quả trong 3 năm qua. Nhà trường đã công khai số điện thoại của Hiệu trưởng trước cổng trường và khi học sinh gặp những tình huống băn khoăn, lo lắng bởi sự đe dọa bạo lực thì nhiều nguy cơ xảy ra đã được ngăn chặn từ sớm, từ xa. Tôi thiết nghĩ, rất cần nhân rộng mô hình này như là một trong nhiều giải pháp quan trọng phòng và chống bạo lực học đường hiện nay.

Một trong những nhân tố quan trọng và thường xuyên tác động đến nhận thức và hành vi bạo lực học đường chính là mạng xã hội. Các cơ sở giáo dục phải tăng cường tuyên truyền cho học sinh những kiến thức cơ bản về “Luật An ninh mạng” (2019), “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng” (2021), các quy định mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, đặc biệt là các hành vi tuyên truyền bạo lực và kích động bạo lực học đường. Mỗi trường học cần xây dựng Quy tắc ứng xử - không chỉ có tác dụng phòng ngừa mà còn tạo hành lang pháp lý, ban hành các quyết định xử phạt hợp lý, hợp tình đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể.

Phim “Vinh quang trong thù hận”, nhân vật chính bị nỗi đau bạo lực học đường theo suốt cuộc đời.

Phim “Vinh quang trong thù hận”, nhân vật chính bị nỗi đau bạo lực học đường theo suốt cuộc đời.

Không thể lỗi thầy cô cả

Nhiều năm gần đây, đề tài về văn hóa học đường và bạo lực học đường luôn được các nhà làm phim Hàn Quốc khai thác triệt để và đa dạng, được nhập khẩu và công chiếu gần như là không thể kiểm soát. Học sinh bây giờ rất thích xem các hình ảnh kích động bạo lực qua các bộ phim Hàn như “Ẩn danh” (Taxi driver), “Cuộc chiến thượng lưu” (Penthouse) “Vinh quang trong thù hận” (The Glory), “Người hùng yếu đuối” (Weak hero class), “Lời cầu cứu” (Save me), “Vườn sao băng” (Boys over flowers)... đã tạo nên sức hút ghê gớm với học sinh phổ thông bởi cách ăn mặc, đầu tóc, lời nói, hành vi, hành động bạo lực.

Các trò chơi trên mạng mang tính bạo lực và tình ái để tăng tương tác, “câu like, câu view” trên mạng xã hội cần được các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời và nhanh chóng xử lý. Luật An ninh mạng cần phải phát huy công năng, tác dụng. Tất cả những hình ảnh, âm thanh kích động lối sống và hành vi ứng xử bạo lực tác động từ phim ảnh, mạng xã hội chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, các em có thể truy cập mạng bất cứ lúc nào, kể cả trong giờ học nếu giáo viên cho phép dùng hoặc học sinh chơi mà giáo viên không thể kiểm soát, giám sát.

Do đó, về phía xã hội, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, các chế tài hạn chế sự ảnh hưởng của văn hóa độc hại ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh. Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ “Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” và Quyết định 5886 của Bộ GD&ĐT về “Chương trình phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021”.

Các cơ quan bộ, ban, ngành liên quan như Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ VH,TT&DL cần có thêm những giải pháp mạnh để ngăn ngừa, ngăn chặn và xử lý nhanh và mạnh những hành vi kích động bạo lực của học sinh và những kẻ trục lợi trên phim ảnh, các nền tảng của mạng xã hội. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các địa phương cần dũng cảm để thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng có nhiều sự bất ổn về bạo lực học đường trong nhiều trường phổ thông những năm gần đây. Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, sòng phẳng chỉ ra những nguyên nhân của thực trạng đó mới có những giải pháp giáo dục phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi học đường thường hay “nổi loạn”. Trách nhiệm để triển khai những giải pháp đó không chỉ của các thầy cô, của nhà trường mà là sự phối hợp nhịp nhàng và thường xuyên giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng soạn thảo và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo. Ngày xưa trong trường học, trò sợ thầy. Ngày nay, thầy sợ trò, đó là thực tế có thật. Những giáo viên càng tâm huyết, trách nhiệm và nghiêm khắc với công tác giáo dục trò lại tiềm ẩn nhiều rủi ro từ chính học trò, phụ huynh của mình. Và khi những giáo viên nếu có thiếu sót, sơ suất và bị rơi vào trạng thái “bạo lực” từ học sinh, phụ huynh và mạng xã hội thì chẳng có ai đứng ra bảo vệ.

Thường khi có vấn đề bạo lực học đường liên quan đến học sinh là điệp khúc quen thuộc “lỗi thầy cô hết, tội do nhà trường cả”. Bạo lực học đường là tội ác, là nguy hiểm, nhưng vô cảm với bạo lực học đường càng nguy hiểm hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có quan điểm chỉ đạo ngành Giáo dục hướng tới “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đó là mục tiêu và động lực để ngành Giáo dục giảm áp lực, tăng động lực với đổi mới giáo dục phổ thông. Để triển khai quan điểm chỉ đạo đó, ngành Giáo dục rất cần nhiều việc phải làm và càng phải có sự chung tay, chung sức, chung trí tuệ của nhiều bộ ngành… trong công tác nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật, giám sát việc thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục, về văn hóa học đường để xây dựng môi trường văn hóa học đường trong tình hình mới.

Để vấn đề bạo lực học đường xảy ra nhiều như vậy, trách nhiệm không của riêng ai như lời của một câu danh ngôn đã viết: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là sự im lặng của những người tốt”.

Ths. Trần Trung Hiếu

(Giáo viên Sử - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vo-cam-voi-bao-luc-hoc-duong-cung-la-toi-ac-post476003.html