Vợ chồng công chúa Nhật Bản không giống Hoàng tử Harry và Meghan
Thường được đem ra so sánh, câu chuyện rời hoàng gia để bắt đầu cuộc sống thường dân của Công chúa Mako và Hoàng tử Harry cũng như bạn đời hai người có nhiều khác biệt, theo CNN.
Ngày 26/10, Công chúa Nhật Bản Mako đã kết hôn với bạn trai từ thời đại học, luật sư Kei Komuro, một cách lặng lẽ, không kèn trống hay nghi lễ truyền thống của đám cưới hoàng gia.
Cặp đôi chỉ đăng ký kết hôn tại một văn phòng ở Tokyo sau đó tổ chức một cuộc họp báo ngắn. Hôn lễ này cũng đánh dấu sự kết thúc của Công chúa Mako với tư cách là một thành viên hoàng gia. Cặp đôi mới cưới dự kiến đến New York sinh sống, nơi Komuro làm việc tại một công ty luật.
Một số người có thể so sánh vợ chồng Công chúa Mako với cặp đôi Hoàng gia Anh là Hoàng tử Harry và Meghan song giữa hai bên không hẳn có nhiều điểm tương đồng.
Khác biệt
"Các thành viên Hoàng gia Anh lớn lên trong sự giàu có, dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động từ thiện. Khi đến Mỹ, thông qua việc kể những câu chuyện về hoàng gia, Harry và Meghan đã kiếm được hàng triệu USD", Ken Ruoff, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản học tại ĐH Portland, nói.
Ông nhận xét sự rút lui khỏi hoàng gia của Công chúa Mako là "màn ra đi đầy kịch tính" song cho rằng vợ chồng cô sẽ chọn một cuộc sống yên tĩnh hơn.
"Tôi nghĩ những gì sắp xảy ra chỉ là cặp đôi này sẽ biến mất mà thôi".
Nếu so sánh ở cấp độ bề mặt, đám cưới lặng lẽ ở Hoàng gia Nhật Bản mang nhiều sắc thái hơn. Và quan trọng nhất, Mako không lựa chọn từ bỏ danh hiệu hoàng gia của mình mà buộc phải làm vậy vì các quy định nghiêm khắc lâu đời của Hoàng gia Nhật Bản.
Mako không phải là công chúa Nhật Bản đầu tiên đánh đổi cuộc sống nơi cung điện để có cuộc sống như người thường. Sayako, dì của cô, là người cuối cùng làm vậy vào năm 2005 khi kết hôn với Yoshiki Kuroda. Tuy nhiên, so với câu chuyện đó, mối tình của Mako và Komuro đã phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều từ công chúng.
Lẽ ra đây là một câu chuyện tình yêu đẹp của hai người trẻ. Mako và Komuro thông báo về kế hoạch tổ chức đám cưới vào năm 2017. Ban đầu, sự phấn khích tràn ngập Nhật Bản song công chúng nhanh chóng quay lưng không lâu sau đó bởi bê bối liên quan đến tranh chấp tài chính của mẹ Komuro.
Vì vậy, đám cưới, vốn dự kiến tổ chức vào năm 2018, bị hoãn lại. Nhiều người thậm chí còn cho rằng Komuro là "kẻ đào mỏ", không phù hợp với công chúa yêu quý của họ.
Kei Kobuta, YouTuber chuyên làm video về hoàng gia, cho biết: “Có rất nhiều hoài nghi, lo ngại về Kei Komuro và mẹ anh ấy, mọi người sợ hình ảnh của gia đình hoàng gia sẽ bị bôi nhọ”. Kobuta cũng cho hay nhiều người theo dõi hoàng gia xem Mako như em gái hoặc con gái họ và tin rằng cô đã lựa chọn sai.
Áp lực của công chúa
Kumiko Nemoto, giáo sư Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Senshu ở Tokyo, cho biết phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản vẫn phải tuân theo những tiêu chuẩn tàn nhẫn nhằm củng cố các giá trị gia trưởng.
"Công chúng Nhật Bản muốn cảm thấy thân thiết với các thành viên của hoàng tộc, nhưng họ cũng muốn gia đình hoàng gia tuân theo vai trò giới và các chuẩn mực gia đình, nơi mà họ tin rằng phụ nữ phải nghe theo quyền lực nam giới trong gia đình và quốc gia", bà giải thích.
Bà Nemoto nhận định khi công chúng đặt những kỳ vọng quá lớn này vào gia đình hoàng gia, đôi lúc hậu quả là họ có xu hướng coi thường những người mà họ cho là làm hoen ố danh tiếng gia đình này. Bà cho biết nhiều người coi sự nghiệp của Komuro ở Mỹ là ích kỷ và việc anh lớn lên với người mẹ đơn thân là không ổn.
"Có lẽ, vì nhiều đàn ông và phụ nữ Nhật Bản vẫn đang sống với những ràng buộc về giới tính hay áp lực về gia đình, sự nghiệp nên họ nghĩ rằng một người đàn ông và phụ nữ nên hy sinh bản thân cho hôn nhân và gia đình", bà nói thêm.
Áp lực từ công chúng đã khiến Công chúa Mako mắc chứng rối loạn căng thẳng. Thông tin này được Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo vào đầu tháng 10.
Cô gái 30 tuổi cũng không phải thành viên nữ hoàng gia đầu tiên phải chịu áp lực khổng lồ từ sự soi mói của công chúng.
Hoàng hậu Masako đã phải rút lui khỏi nghĩa vụ hoàng gia để điều trị căn bệnh trầm cảm do phải hứng chịu sự gièm pha từ nhà chồng và giới truyền thông về chuyện bà không sinh được con trai thừa kế. Trước đó, Thượng hoàng hậu Michiko từng bị mất giọng sau khi công chúng bàn tán về những thiếu sót của bà.
Trở lại hiện tại, sự ra đi của Mako một lần nữa sẽ khơi lại cuộc tranh luận về việc liệu luật hoàng gia có nên được sửa đổi để cho phép thành viên nữ kết hôn với thường dân mà vẫn giữ tước vị như nam giới hay không, đồng thời qua đó củng cố danh sách người kế vị đang dần thu hẹp.
Tuy nhiên, Christopher Harding, giảng viên về lịch sử châu Á tại Đại học Edinburgh, nhận định nhiều người vẫn lo ngại đề xuất cho phép thành viên nữ duy trì địa vị hoàng tộc sẽ dẫn đến việc một nữ hoàng lên ngôi hoặc một hoàng đế xuất thân từ thành viên nữ trong hoàng tộc.