Vợ chồng trẻ tiền ai người nấy tiêu, chỉ thay đổi cách quản lý tài chính sau khi có con
Gia đình Huyền Bùi đã có những thay đổi đáng kể sau khi kết hôn để quản lý tài chính gia đình hiệu quả hơn.
6 tháng đầu sau kết hôn không lập kế hoạch quản lý chi tiêu
Huyền Bùi (30 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ thời gian đầu kết hôn, vợ chồng cô ở cùng với bố mẹ chồng. Do vậy, gia đình cô không mất tiền thuê nhà. Cô cùng chồng lúc ấy vẫn như thời chưa kết hôn, tức là độc lập về mặt tài chính, tiền bạc không quy về 1 mối. Tiền của ai người đó tiêu và gần như không quan tâm đến việc tiết kiệm, dẫn đến chi tiêu quá đà trong khoảng 6 tháng đầu.
"Đến khi có bầu em bé, nhiều khoản phát sinh, mình bắt đầu nói chuyện với chồng về việc phải có kế hoạch chi tiêu, và tiền bạc trong gia đình nên quy về 1 mối để tiện quản lý. Và mình nhận là người giữ tiền. Từ đó chia tiền ra các quỹ khác nhau và lên kế hoạch để mua nhà. Tụi mình bắt đầu tiết kiệm và chi tiêu hợp lý hơn để dồn tiền cho những mục tiêu lớn, cho con cái điều kiện tốt nhất".
Được biết bây giờ, gia đình Huyền Bùi đã chuyển ra ngoài và mua nhà. Mặc dù chưa có đủ tiền 100% mua đứt căn hộ đầu tiên, vợ chồng cô vẫn quyết định mua để có một mái nhà, xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Huyền Bùi và chồng đã mua nhà bằng tiền tiết kiệm, còn lại vay mượn bạn bè và ngân hàng. "Vì mình xác định khi đã ra ở riêng, cả 2 vợ chồng sẽ độc lập, phấn đấu hơn. Thay vì đi thuê nhà, mua nhà đưa lại cảm giác "an cư" - vì nhà bây giờ đã là tài sản của vợ chồng mình. Từ đó tạo nên động lực tập trung kiếm tiền khi đã ổn định cuộc sống, và có cả áp lực trả nợ để vợ chồng mình cố gắng hơn".
Được biết hiện nay gia đình Huyền Bùi gồm có 3 thành viên gồm vợ chồng và 1 em bé 3 tuổi. Hàng tháng gia đình cô trích ra khoảng 30% thu nhập tương ứng 18 triệu đồng để trả nợ mua nhà. Bên cạnh đó, 30% dành cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày bao gồm ăn uống, xăng xe, điện thoại; đầu tư giáo dục cho con chiếm 15% thu nhập; đầu tư cho bản thân là 10%; chi tiêu khác 5% và tiết kiệm 10% thu nhập.
Đa dạng thu nhập, chi tiêu kỷ luật
Châm ngôn quản lý tài chính gia đình của Huyền Bùi là nếu phải lựa chọn giữa "cố gắng chi tiêu tiết kiệm" và "nỗ lực kiếm nhiều tiền", cô sẽ chọn vế trước. Bởi vì nếu không cố gắng tích lũy, kiếm nhiều tiền đến đâu cũng có thể tiêu hết thậm chí là mắc nợ.
"Mình là người thường thiên về cảm xúc khi chi tiêu. Nhưng mình không vượt quá phạm vi đã định từ trước khi mua 1 sản phẩm hay chi tiền cho các dịch vụ. Vì mình luôn nhận thức được rằng bản thân luôn có những khoản chi vô cùng quan trọng hay mục tiêu tài chính cần đạt được chẳng hạn đóng tiền học hay con, trả xong tiền vay mua nhà,... Khi chi tiêu, mình quan tâm chất lượng hơn là số lượng", Huyền Bùi chia sẻ cách để kiềm chế để không chi tiêu hoang phí.
Bên cạnh đó, cô chia sẻ rằng sau khi có con, nhất là khi bé bắt đầu đi học mẫu giáo, chi tiêu của gia đình thay đổi rất nhiều. Cô xác định đầu tư giáo dục cho con từ bé để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của con. Do vậy, các khoản đầu tư cho bố mẹ, giải trí sẽ tiết chế lại để dồn sang ngân sách cho con. Tức là với thu nhập không gia tăng đột biến mà lại phát sinh thêm chi tiêu, đương nhiên phải chuyển đổi từ danh mục này sang danh mục khác sao cho cân bằng nhất có thể. Còn nếu bố mẹ vẫn có nhu cầu chi tiêu cho bản thân nhiều hơn, hãy cố gắng gia tăng thu nhập.
Hiện nay, ngoài nguồn thu nhập chính là lương cứng, Huyền Bùi và chồng đang phát triển một số công việc tay trái. Tuy các nguồn thu nhập này không đều đều ổn định nhưng cũng góp phần gia tăng thu nhập đáng kể. "Như chồng mình là kiến trúc sư, anh sẽ nhận làm thêm thiết kế và thi công nội thất. Mình làm về Marketing, gần đây mình tập tành sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, kinh doanh và livestream bán hàng. Vợ chồng mình đều cố gắng tận dụng nền tảng chuyên môn và các mối quan hệ sẵn có để không bỏ qua bất kể cơ hội kiếm tiền nào".
Mặt khác, sau khi thu nhập đã đạt mức gọi là khá ổn, đầu năm nay vợ chồng Huyền Bùi đã bị ảnh hưởng bởi "bão sa thải". Cụ thể Huyền Bùi không có thu nhập trong khoảng 3 tháng. "Mình khá áp lực, cũng may thu nhập của chồng không bị ảnh hưởng. Mình có thêm nguồn thu từ các công việc làm thêm khác, tuy không được như lúc trước nhưng vẫn giúp gia đình vượt qua lúc khó khăn. Mình rút ra bài học không có gì ổn định mãi mãi. Sẽ có những biến cố xảy đến mình không thể lường trước được. Vì vậy mình không nên chủ quan, và nếu có thể nên lập thêm quỹ dự phòng nữa. Bên cạnh đó, trong gia đình nhiệm vụ kiếm tiền nên san sẻ cho cả 2 vợ chồng, để cả vợ và chồng đều phải có trách nhiệm. Khi người này gặp trở ngại, vẫn còn có người kia chống đỡ. Mục đích cuối cùng là để lèo lái đưa gia đình tiến về phía trước".
Sau những trải nghiệm của bản thân, Huyền Bùi rút có 2 lời khuyên dành cho những cặp đôi sắp kết hôn về chuyện quản lý chi tiêu:
- Ngoài việc đầu tư cho bản thân chẳng hạn du lịch, trải nghiệm, sức khỏe,... hãy xây dựng 1 khoản tiết kiệm để tự tin bước vào hôn nhân.
- Bạn nên có kế hoạch chi tiêu. Nếu chưa giỏi thì đừng tiếc tiền để học 1 khóa về quản lý chi tiêu cá nhân cũng như gia đình, vì đây là 1 khoản đầu tư rất rất đáng tiền.