Vợ chồng Trung Quốc được sinh 3 con, nhưng không có tiền để đẻ
Dù chính phủ cho phép các gia đình sinh tối đa 3 con, nhiều cặp vợ chồng vẫn chần chừ không có thêm em bé vì thiếu dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
SCMP đưa tin vài năm gần đây, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc có xu hướng giảm. Theo phân tích từ Jefferies Financial Group, tỷ lệ này có thể chạm mức thấp nhất trong năm nay do các gia đình trì hoãn kế hoạch mang thai vì lo ngại ảnh hưởng từ Covid-19.
Một cuộc điều tra dân số vào tháng 5 cho thấy tổng tỷ suất sinh, tức số trẻ sơ sinh mỗi bà mẹ có thể đẻ được, giảm từ 1,7 xuống 1,3 trong năm 2018-2020, thấp hơn mức trung bình là 1,5.
Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á, nhận định dựa trên tỷ lệ hiện tại, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 700 triệu dân vào cuối thế kỷ này, so với mức 1,4 tỷ người ở hiện tại.
Thiếu sự hỗ trợ để sinh con
Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều phụ nữ xứ tỷ dân không muốn kết hôn hoặc sinh con vì sợ ảnh hưởng sự nghiệp, thiếu chính sách hỗ trợ cho các bà mẹ có việc làm.
Chuyên gia tư vấn làm đẹp Annie Xu, một bà mẹ 2 con sống ở Thượng Hải, cho biết cô không có dự định sinh con thứ 3 do giá bất động sản đắt đỏ, hệ thống giáo dục có cạnh tranh cao và khó chăm sóc trẻ nhỏ.
"Nếu bố mẹ chồng bạn có trình độ văn hóa, điều kiện khá giả, họ có thể hỗ trợ bạn chăm sóc, dạy dỗ con nhỏ. Nhưng chúng tôi phải tìm các cơ sở chăm sóc trẻ em ở ngoài. Lũ nhóc ít có thời gian bên cha mẹ và khá cô đơn", cô nói.
Năm 2017, một năm sau khi xứ tỷ dân nới lỏng chính sách một con, một nghiên cứu cho thấy nhiều phụ nữ có sự nghiệp riêng coi sự hỗ trợ của cha mẹ 2 bên trong việc chăm sóc trẻ nhỏ là yếu tố quyết định việc họ có sinh con hay không.
Zhang Yongmei, một nghiên cứu sinh tại Trường Quản lý công thuộc ĐH Chiết Giang, nói với The Paper rằng chính sách 3 con "có hiệu quả rất hạn chế trong việc khuyến khích phụ nữ có học vấn, sự nghiệp sinh nở".
Cụ thể, chỉ 2,4% trong số 2.145 người nữ trong độ tuổi sinh nở muốn sinh con thứ 3.
Zhang tính toán rằng mỗi đứa trẻ sẽ buộc người mẹ phải rời bỏ nơi làm việc trong khoảng 3 năm. Do đó, việc sinh 3 con sẽ khiến phụ nữ đình trệ khoảng 10 năm sự nghiệp.
Theo đó, cô cho biết nếu chính phủ muốn tăng tỷ lệ sinh, các nhà chức trách cần gia hạn kỳ nghỉ thai sản lên 3 năm cho cả nam và nữ giới. Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng cần được nâng cao chất lượng và có thêm trợ cấp cho việc nuôi dạy trẻ.
Cuộc phỏng vấn của Zhang thu hút hơn 26 triệu lượt xem trên Weibo. Phần đông ý kiến đồng tình rằng gánh nặng nuôi dạy trẻ nhỏ nên được san sẻ đều cho các thành viên, thay vì chỉ nữ giới.
"Tốt hơn hết, người chồng và gia đình bên nội cũng cần ra sức hỗ trợ. Dù sao đứa trẻ cũng mang họ bố mà", một dân mạng bình luận.
Không thay đổi quyết định
Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc thực hiện năm 2020 chỉ ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các dịch vụ chăm sóc trẻ em ở xứ tỷ dân. Tuy nhiên, các nhà chức trách đang dần nhận ra những lo ngại này.
Luật cho phép sinh 3 trẻ được thông qua, kèm theo các biện pháp tăng cường sự bình đẳng ở nơi làm việc, cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em và khuyến khích chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ nghỉ thai sản.
Tháng trước, thành phố Phàn Chi Hoa ở tỉnh Tứ Xuyên trở thành nơi đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng chính sách trợ cấp chăm sóc trẻ nhỏ. Mỗi cặp vợ chồng sẽ được nhận 500 yuan mỗi tháng khi sinh con thứ 2 và thứ 3 cho tới khi các bé tròn 3 tuổi.
Gần đây, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng thông báo rằng lao động nữ sẽ được nghỉ thêm 30 ngày nếu sinh con thứ 3, trong khi các ông bố được nghỉ tổng cộng 15 ngày phép.
Tuy nhiên, một số công dân nữ cho rằng dù chính phủ tạo điều kiện tới mức nào, họ vẫn sẽ không thay đổi quyết định.
"Dù chồng, nhà nội và ngoại đều đang gây sức ép, buộc tôi sinh con, tôi vẫn kiên định với lựa chọn cá nhân. Tôi còn nhiều điều muốn làm cho bản thân và chưa cảm thấy việc có con là cần thiết", Chen Yixin, một phụ nữ có quan điểm như trên, chia sẻ.